![]() |
Ông Mai Lương Khôi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) |
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn ông Mai Lương Khôi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) xung quanh vấn đề này.
Ông Mai Lương Khôi cho biết: Mục tiêu lớn của công tác THADS, thi hành án hành chính giai đoạn 2018-2021 là tiếp tục tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động THADS, thi hành án hành chính, khắc phục tình trạng tồn đọng án kéo dài; nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án, kỷ cương phép nước và tính nghiêm minh của pháp luật. Bảo vệ tốt hơn quyền của người được thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác THADS, thi hành án hành chính hiện còn tồn tại một số hạn chế. Các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa được thi hành dứt điểm phải chuyển kỳ sau tuy giảm nhưng còn nhiều. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và trong công tác chuyên môn còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu; thời gian thực hiện quy trình thi hành án còn dài so với các nước trong khu vực; ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, nhiều vụ việc, người phải thi hành án trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Vậy, đâu là nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà ngành THADS phải nỗ lực thực hiện để đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?
Ông Mai Lương Khôi: Chúng tôi quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính.
Tiếp tục đề cao hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức thi hành pháp luật THADS, thi hành án hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan đến quá trình thi hành án; tổng kết và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành quy định pháp luật; Nghiên cứu, trình ban hành Đề án giải quyết việc THADS không có điều kiện thi hành đã tồn đọng trong nhiều năm.
Thi hành án hành chính lâu nay vẫn còn nhiều khó khăn bởi đối tượng là cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính hoặc cá nhân người có thẩm quyền. Vậy, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác này?
Ông Mai Lương Khôi: Chúng tôi thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo Hệ thống THADS nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án, thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS, thi hành án hành chính do Quốc hội, Chính phủ giao; chú trọng thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch việc thực hiện các quy định về xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành.
Theo đó, các cơ quan THADS địa phương tập trung xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án. Xây dựng cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng còn để kéo dài để tập trung chỉ đạo thi hành dứt điểm.
Đặc biệt, thi hành nghiêm túc các quy định về theo dõi thi hành án hành chính, công khai thông tin về việc không chấp hành án và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức không chấp hành.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, đồng thời hạn chế phát sinh những vụ việc mới. Tiếp tục phát triển “Đường dây nóng” và các kênh đối thoại, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời nguyện vọng, vướng mắc của người dân trong quá trình thi hành án.
Thưa ông, việc lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nghiên cứu mô hình cơ quan THADS tại 3 đặc khu tới đây sẽ như thế nào?
Ông Mai Lương Khôi: Tổng cục THADS bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần của Bộ Chính trị liên quan đến cải cách hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống THADS, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác bố trí, sử dụng, đánh giá cán bộ bảo đảm đúng quy trình, quy định; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, xây dựng đội ngũ công chức THADS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực công tác; thực hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, chuẩn mực đạo đức công vụ.
Nghiên cứu mô hình tổ chức cơ quan THADS tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sau khi cấp có thẩm quyền thành lập.
Việc thực hiện công tác “phối hợp liên ngành” và với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thi hành án dân sự được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Mai Lương Khôi: Tổ chức thực hiện có hiệu quả, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Thông tư liên tịch, Quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội…, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác phối hợp THADS, thi hành án hành chính ở cấp trung ương và cấp địa phương.
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn và tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Phương châm “hướng về cơ sở” được ngành THADS triển khai như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành?
Ông Mai Lương Khôi: Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, Tổng cục, Cục THADS theo phương châm “hướng về cơ sở”. Nghiêm túc xây dựng, ban hành Kế hoạch công tác và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực THADS, thi hành án hành chính hàng năm, đồng thời quyết liệt đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, qua đó đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan THADS.
Củng cố và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và lề lối làm việc đáp ứng yêu cầu của mô hình quản lý tập trung thống nhất theo hệ thống ngành dọc; Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, kiên quyết xử lý những trường hợp sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại đơn vị.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong THADS, thi hành án hành chính. Thực hiện nề nếp, hiệu quả cơ chế một cửa, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ trực tuyến thi hành án, tiến tới cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3 đối với một số thủ tục hành chính từ năm 2018.
Tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cho các cơ quan THADS chưa có trụ sở hoặc trụ sở đã xuống cấp, các cơ quan THADS chưa có kho vật chứng theo quy định của Luật THADS. Tăng cường quản lý kho vật chứng và tài sản tạm giữ tại các cơ quan THADS theo quy định.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kết quả thi hành án về việc, về tiền ngày càng cao, qua đó kịp thời giải phóng các nguồn lực kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Năm 2015, thi hành xong trên 492.000 việc và trên 21.000 tỷ đồng; năm 2016, thi hành xong trên 530.000 việc và trên 29.000 tỷ đồng; năm 2017, thi hành xong trên 549.000 việc và trên 35.000 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2018, thi hành xong gần 250.000 việc và trên 12.000 tỷ đồng). |
Lê Sơn (thực hiện)