In bài viết

Tập trung rà soát, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập

(Chinhphu.vn) – Ngày 17/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị.

17/07/2020 15:05

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm do Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn trình bày cho biết: Trong 6 tháng qua, Bộ và ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình/kế hoạch công tác để phù hợp với điều kiện mới, trong đó hạn chế việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra; tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến, bám sát tình hình dịch bệnh, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để chỉ đạo, hướng dẫn công tác; tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương, các cá nhân. Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh và đề xuất điều chỉnh giảm một số loại phí trong các lĩnh vực công tác tư pháp (công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…).

Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL, chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn, các dự án luật đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao; công tác rà soát VBQPPL được các Bộ, ngành triển khai quyết liệt; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với đại dịch được thực hiện kịp thời, có chất lượng. Đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu LLTP, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hoá thủ tục hành chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục thu được nhiều kết quả ấn tượng; hoàn thành việc gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong Ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao. Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả nêu trên tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Nhiều yếu kém, tồn tại trong bán đấu giá tài sản

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích làm rõ những kết quả, yếu kém và giải pháp của công tác tư pháp 6 tháng qua. Trong đó, tập trung nhấn mạnh vào công tác thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, công chứng, hộ tịch…

Đặc biệt, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội Lê Xuân Hồng thẳng thắn nêu lên những tồn tại trong công tác bán đấu giá tài sản hiện nay. Đó là, công tác bán đấu giá tài sản luôn là một trong những vấn đề “nóng” trong toàn hệ thống THADS nói chung và TP. Hà Nội, trong đó khó khăn lớn nhất đó là bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Hiện các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố hiện còn hơn 200 trường hợp chưa giao được tài sản đã đấu giá thành, tương ứng với số tiền hơn 300 tỷ đồng.

Một số đại biểu khác cho rằng, những vi phạm trong công tác bán đấu giá tài sản không chỉ do Đấu giá viên mà còn do cả tổ chức bán đấu giá, người có tài sản bán đấu giá như việc gây khó khăn trong bán hồ sơ đấu giá cho người dân, quy trình định giá chưa sát với thực tế (nhất là định giá đất để đấu giá),…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trăn trở về kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp, nhất là xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đó là, toàn ngành đã tham gia sâu vào quá trình tổng kết các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng như Chỉ thị 32, 39, Nghị quyết 48, 49. Hoàn thành khối lượng lớn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm, nhiều dự án được Quốc hội thông qua với tỷ lệ rất cao, có dự án gần như 100 % các đại biểu Quốc hội có mặt đồng ý.

Công rà soát VBQPPL đạt nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ rà soát VBQPPL; đồng thời, phối hợp với bộ, ngành xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, kìm hãm sự phát triển. Đặc biệt, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp đã tham gia trách nhiệm, chủ động đề xuất các giải pháp với Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương để vừa phòng, chống, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Vẫn còn tình trạng văn bản luật xin rút, xin lùi

Theo Bộ trưởng, công tác tổ chức thi hành pháp luật được quan tâm thực hiện bài bản hơn, nhất là đối với các luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có điểm mới, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp được tăng cường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của người dân về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được bảo đảm. Công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, gửi nhận văn bản điện tử tiếp tục được quan tâm thực hiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục ở vị trí 3 cơ quan dẫn đầu về chỉ số thành phần chỉ đạo điều hành CCHC, chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi QLNN.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng một số VBQPPL chưa cao, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút, đưa khỏi Chương trình do một số dự án luật còn chưa bảo đảm hồ sơ, trình tự, thủ tục; công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương chưa sát sao, nhất là trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá tài sản) để xảy một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng bị xử lý hình sự gây bức xúc dư luận như báo chí đã nêu, ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, ngành.

Nguyên nhân của kết quả và hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp là do khối lượng công việc ngày càng nhiều xong người đứng đầu một số tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương chưa tranh thủ, chủ động trong công tác tham mưu; một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác tư pháp; một số cán bộ, công chức, người hành nghề bổ trợ tư pháp thiếu bản lĩnh, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự .

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, địa phương và tổ chức pháp chế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác rà soát VBQPPL, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, trong đó tập trung vào việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Chủ động tham mưu giúp Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật; triển khai có hiệu quả Kết luận 80 của Ban Bí thư nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp trên địa bàn, nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Lê Sơn