In bài viết

Tập trung thanh tra những vấn đề dư luận bức xúc, đấu thầu, đầu tư công,...

(Chinhphu.vn) - Hoạt động thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư năm 2022 tại các địa phương tập trung vào việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư.

12/11/2021 16:45

Tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành KH&ĐT năm 2022. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành KH&ĐT cần tập trung vào những vấn đề gây bức xúc của người dân, dư luận xã hội quan tâm, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành; thực thi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Hạn chế tối đa việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Công văn nêu rõ, hoạt động thanh tra chuyên ngành KH&ĐT năm 2022 tại các địa phương tập trung vào việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư (bao gồm đầu tư có vốn đầu tư trong nước và đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài); công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc các vụ việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở giao.

Trong quá trình xây dựng, thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2022 cần phối hợp với Thanh tra tỉnh, Thanh tra các Sở, ngành khác, Thanh tra các quận, huyện, thị trong tỉnh để đảm bảo thực hiện theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nhân lực và điều kiện cần thiết để đảm bảo hoàn thành có chất lượng Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.

Kế hoạch thanh tra chuyên ngành sau khi được ban hành phải được theo dõi, đánh giá việc thực hiện, đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ gửi về Thanh tra Bộ KH&ĐT theo quy định.

Thanh tra Bộ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022 của các Sở KH&ĐT; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và Thanh tra Chính phủ.

LP