In bài viết

Tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại

(Chinhphu.vn) – Tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao tiềm lực quốc phòng-an ninh, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

15/09/2015 17:25
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Sáng 15/9, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự.

Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, 70 năm qua, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức, người lao động ngành công nghiệp quốc phòng luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân; nỗ lực thi đua phấn đấu, tô thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của ngành quân giới-công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của ngành công nghiệp quốc phòng trong suốt 70 năm qua.

Nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên sẽ diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra đối với Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp quốc phòng nói riêng là hết sức nặng nề. Ngành công nghiệp quốc phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những kết quả đã đạt được của mình, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó trước hết cần quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Thủ tướng yêu cầu quân đội cần tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao tiềm lực quốc phòng-an ninh, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, chú trọng việc ứng dụng, từng bước làm chủ và sáng tạo khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại. Bám sát thực tiễn chiến đấu, huấn luyện, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu trong tình hình mới, góp phần vào tiến trình xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và đi nhanh vào hiện đại ở những lĩnh vực cần thiết.

Chúng ta cần xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, có tư duy chiến lược sắc sảo, giỏi về khoa học công nghệ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Chú  trọng đào tạo cán bộ khoa học công nghiệp quốc phòng, nhất là đội ngũ cán bộ thiết kế và công nghệ các ngành đặc thù. Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả khoa học công nghệ quân sự tiên tiến trên thế giới. Có cơ chế chính sách phù hợp để tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của các tổ chức Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy tổ chức, đơn vị; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cuộc vận động và phong trào thi đua Quyết thắng của toàn quân, của ngành. Giữ gìn, phát huy phẩm chất và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tốt công tác dân vận, nhất là trên địa bàn đóng quân. Tích cực thực hiện công tác hậu phương quân đội và các chính sách xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

“Với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, nhất trí và sự nỗ lực, sáng tạo của cả tập thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, người lao động, ngành Công nghiệp quốc phòng của chúng ta sẽ ngày càng trưởng thành, vững mạnh, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng.

Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu. Ảnh VGP/Nhật Bắc

* Cách đây tròn 70 năm, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ra đời trong bối cảnh Cách mạng tháng Tám vừa giành thắng lợi, ngành quân giới đứng trước muôn vàn khó khăn, không có các cơ sở sản xuất cơ khí chế tạo, không có công nghệ, kỹ thuật sản xuất và vật tư, thiết bị, nguyên liệu cốt yếu. Thực tế đó không làm nản lòng những cán bộ quân giới đã được Bác Hồ tin cậy, giao nhiệm vụ, trong đó có các nhà trí thức, khoa học trẻ, tài năng như Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Võ Quý Huân... Đông đảo các tầng lớp nhân dân, công nhân đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí cho cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm công xưởng đã ra đời, sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị phục vụ kịp thời cho quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược, bằng các cao trào thi đua “Sản xuất vì tiền tuyến” và “Tất cả để chiến thắng”, lực lượng quân giới đã tập trung cải tiến, sửa chữa, sản xuất và cung cấp cho chiến trường hàng vạn tấn vũ khí, trang bị phù hợp với cách đánh của các lực lượng vũ trang (trong đó có nhiều loại vũ khí tiên tiến như súng, đạn Ba-dô-ka, AT, SKZ...), giúp quân và dân ta lập nên những thắng lợi vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngành quân giới tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; đã nghiên cứu, cải tiến thành công nhiều loại vũ khí, trang bị của các nước bạn viện trợ để sử dụng phù hợp với điều kiện chiến trường và cách đánh của Việt Nam; trong đó có việc cải tiến các loại vũ khí, khí tài phòng không, giúp quân và dân ta bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của kẻ thù, kể cả "Pháo đài bay chiến lược B52", làm nên chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không". Đồng thời đã triệt để tận dụng vũ khí thu được của địch, tiến hành sửa chữa, cải biên, chi viện kịp thời cho các chiến trường, giúp quân và dân ta dũng mãnh tiến lên giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, kế thừa và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã nhanh chóng chuyển đổi cơ chế quản lý, phương thức hoạt động, xác định lộ trình, bước đi phù hợp phát triển công nghiệp quốc phòng; trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trình độ tiên tiến, hiện đại; tập trung đầu tư trọng điểm cho các sản phẩm mũi nhọn; tăng tính lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng.

Nguyễn Hoàng