In bài viết

Tên miền quốc gia .vn vượt mốc nửa triệu

(Chinhphu.vn) - Liên tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á - ASEAN và đứng TOP 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng tên miền duy trì sử dụng kể từ năm 2011, cuối tháng 3/2020, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thiết lập mốc mới khi đạt con số trên nửa triệu tên miền.

14/04/2020 17:31
Ảnh minh họa

Đây là dấu ấn quan trọng khẳng định giá trị và sự bứt phá của tên miền quốc gia “.vn” sau chặng đường 20 năm phát triển kể từ thời điểm Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được thành lập và thực hiện nhiệm vụ quản lý, phát triển tên miền “.vn”. 

Hiện nay, tên miền “.vn” đã trở thành thương hiệu quốc gia; đã và đang đồng hành cùng thương hiệu Việt đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế trong kỷ nguyên số hóa. 

Từ câu chuyện tên miền ".vn" cán mốc 500,000...

Theo đánh giá của Tổ chức quản lý tên miền và số cấp cao nhất toàn cầu (ICANN), cũng như các tổ chức quốc tế khác như Hội đồng các nhà quản lý tên miền cấp cao quốc gia khu vực châu Âu (CENTR), Hiệp hội các nhà quản lý tên miền mã quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APTLD), tên miền quốc gia ccTLD (trong đó có ".vn" của Việt Nam) là thương hiệu số của mỗi quốc gia, sự lựa chọn tối ưu cho thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế trong bảo vệ giá trị thương hiệu. 

Với các ưu điểm đặc thù, trong suốt quá trình biến động vừa qua với sự xuất hiện của nhiều đuôi tên miền cấp cao dùng chung mới, việc đăng ký, sử dụng tên miền mã quốc gia vẫn là xu hướng chủ đạo trên mạng Internet.

Tính đến ngày 25/3/2020, số lượng đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đạt mốc nửa triệu. Tên miền ".vn" thứ 500.000 được ghi nhận trên hệ thống là "tuoithobencon.vn". Tên miền này đang được sử dụng để xây dựng một trang bán hàng trực tuyến. Xuất phát từ một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm dành cho trẻ em ở một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Phú Thọ, chủ thể tên miền "tuoithobencon.vn" đã có những định hướng đúng đắn trong phát triển thương hiệu Việt gắn với thương mại điện tử: "Hiện nay, người người online, nhà nhà online, đặc biệt nhu cầu mua sắm trực tuyến nổi lên mạnh mẽ ở các địa phương như nơi chúng tôi đang sinh sống. Bên cạnh việc bán hàng truyền thống, chúng tôi muốn quảng bá thương sản phẩm tại cửa hàng của mình một cách nhanh chóng, tiết kiệm, mở rộng nguồn khách hàng trên toàn quốc.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn tiến phức tạp, mua online trở thành ưu tiên, đây là cơ hội tốt chúng tôi muốn tận dụng nhằm tạo dựng và phát triển thương hiệu Việt trên môi trường số. Chúng tôi tin tưởng lựa chọn tên miền ".vn" bởi ".vn" là thương hiệu của quốc gia, và định vị trực tiếp đến khách hàng Việt. Do đó, chúng tôi đã chọn làm trang bán hàng online với tên miền ".vn" mà không phải là các đuôi tên miền khác".

.. Đến start-up thời kỳ chuyển đổi số…

Câu chuyện của chủ nhân tên miền "tuoithobencon.vn" chỉ là một minh chứng cụ thể trong hàng ngàn câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam. Theo số liệu công bố tại Báo cáo Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam năm 2019, Việt Nam đang là một quốc gia khởi nghiệp (start-up) với số lượng doanh nghiệp "khai sinh" nhiều thứ 3 ở Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp start-up chưa trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, đặc biệt là chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ và phát triển thương hiệu số trên không gian mạng. Trong khi đó, xu thế chuyển đổi số trong bối cảnh sự lan toả của cuộc cách mạng 4.0 không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu đối với mọi doanh nghiệp. 

Bài học từ nhiều start-up thành công cho thấy dường như có một công thức khá phổ biến: start-up chưa thể hoạt động nếu thiếu website. Việc lựa chọn, tìm kiếm một tên miền cho website phù hợp với hoạt động của mỗi start-up sẽ là ưu tiên hàng đầu. 

Tại Việt Nam, tên miền ".vn" là địa chỉ đầu tiên mà các start-up Việt, và cả các start-up muốn phát triển thương hiệu tại Việt Nam tín nhiệm lựa chọn. Tên miền ".vn" như một chỉ dẫn địa lý ngầm nhằm vào thị trường Việt Nam và khách hàng Việt, cũng như khẳng định giá trị thương hiệu Việt.

Phát triển thương mại điện tử bền vững với tên miền ".vn"

Trong bối cảnh thương mại điện tử hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều tham gia thương mại điện tử, doanh nghiệp nào không nắm bắt được tình hình tại thị trường khắc nghiệt này đều có thể bị bỏ lại. Thành công trong việc tiếp thị trực tuyến chính là sở hữu một website hiệu quả với sự bắt đầu từ một tên miền phù hợp. 

Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Internet Việt Nam, đối với tên miền ".vn", do đặc thù ưu tiên về khu vực địa lý của các công cụ tìm kiếm (Google, Bing,…), các website sử dụng tên miền “.vn” có lợi thế về SEO khi mang đến giá trị tìm kiếm cao hơn cho người dùng trong nước. 

Sử dụng tên miền “.vn” giúp giảm thiểu chi phí đầu tư quảng cáo trên các kênh tiếp thị trực tuyến. Đồng bộ với tên nhãn hàng, tên miền “.vn” là chỉ dẫn địa lý ngầm xác định thị trường mục tiêu Việt Nam, giúp tăng sự tin tưởng từ người dùng khi doanh nghiệp đã được “định danh” rõ trên Internet. 

Tên miền “.vn” được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo hoạt động kỹ thuật an toàn, ổn định. Tên miền “.vn” sẽ như một con tem bảo hành cho thương hiệu của doanh nghiệp khi tính hợp pháp, xác thực trong việc đăng ký sử dụng đã được thừa nhận bởi cơ quan quản lý tên miền quốc gia Việt Nam (VNNIC).

Tháng 3/2020, tên miền ".vn" đã vượt qua mốc nửa triệu tên, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của tên miền quốc gia “.vn”. Theo đà phát triển này, trong năm 2020, tên miền “.vn” sẽ tiếp tục chinh phục các cột mốc mới. Với mỗi cột mốc trên chặng đường phát triển, VNNIC sẽ có những chương trình đặc biệt tri ân khách hàng đã ủng hộ tên miền “.vn”, ủng hộ thương hiệu Việt.

Bối cảnh hiện nay khi toàn bộ các nước trên thế giới phải tìm kiếm cách làm mới, bảo vệ hoạt động kinh tế song hành với đối phó với dịch COVID-19, càng khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển mình mạnh mẽ từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến với việc xây dựng và duy trì các Website gắn với tên miền “.vn”. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội to lớn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững trong nền kinh tế số.