Trường Sa đợt cuối năm thường có 2 lần đón Tết. Một lần là Tết đúng như lịch. Các đảo sẽ gói bánh chưng, đảo lớn còn có thi gói bánh giữa các cụm, đón giao thừa như đất liền. Còn một lần là vào những ngày tháng Chạp, khi các tàu chở hàng Tết ra thăm đảo. Lúc ấy, cả đảo sẽ đón Tết sớm cùng những con tàu chở mùa xuân ấy.
Mấy năm dịch bệnh COVID-19, những chuyến tàu thưa hơn. Dù quà Tết vẫn gửi tới đảo, nhưng người thăm đảo thì vắng. Thế nên mùa xuân này có thể xem như một mùa Tết sớm của sự phục hồi, không chỉ đất liền đang phục hồi sau dịch, mà cả đảo xa cũng vui hơn.
Chuyến tàu của chúng tôi dừng ở Sinh Tồn vào những ngày cuối của cuộc hành trình. Cuối năm, những chuyến thăm thường bị "đánh úp" bởi gió bão. Hai năm nay, tàu ra thăm và chúc Tết ở Trường Sa đều gặp sóng gió lớn bất thường. Chỉ vài ngày trước, kế hoạch đón Tết sớm trên đảo Song Tử Tây của chúng tôi không thực hiện được. Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, tiếc nuối: "Tiếc quá, mọi người chuẩn bị hết rồi, còn có cả các trò chơi dân gian nữa". Nhưng những cơn giông liên tục, sóng lừng chao qua chao lại, chúng tôi chỉ có nửa ngày trên hòn đảo xa nhất phía Tây Trường Sa rồi bùi ngùi rời đi. Đây đã là năm thứ 2, đảo Song Tử Tây chờ khách rồi lại "hụt" như vậy vì... thời tiết.
Cả hành trình dài ngày, chúng tôi đều đối mặt với những cơn mưa giông đe dọa, lần nào vào đảo cũng vội vàng. Thế nên hành trình vào đảo Sinh Tồn vốn dĩ cũng như đánh bạc với sóng. Nhưng may mắn thay, vào những ngày đầu tiên của năm 2023, thời tiết khu vực Sinh Tồn hiền hòa lạ thường. Hòn đảo Sinh Tồn "trên đại dương gió bão" đón chúng tôi chỉ với một cơn mưa nhẹ nhàng đầu ngày, rồi thoải mái thả nắng vàng trên toàn đảo. Vậy là chỉ huy đảo quyết định gói bánh chưng sớm.
Vốn dĩ dự định mỗi cái bánh sẽ có nửa viên đỗ, mà trong phút cao hứng, Trung tá Hoàng đã vui vẻ "cứ thêm thịt đi, thêm đỗ đi". Không gian trước sân cột mốc trở nên rộn ràng hẳn. Khuôn bánh mới được làm cấp tốc sáng đó, tận dụng từ mấy mẩu gỗ thừa.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Tiến Đạt đi đảo vài dịp rồi nhưng lần đầu Đạt gói bánh chưng. Phần vì anh bị cuốn vào niềm vui về một cái Tết sớm bỗng dưng nắng đẹp hiếm hoi giữa những ngày mà dự báo chỉ toàn mưa với áp thấp, phần cũng vì muốn tập gói bánh cho bõ những ngày xa nhà. Buổi sáng ấy, Đạt đã tự tay gói hơn 20 cái bánh, dưới sự hỗ trợ cắt lá, xếp lá của cả dàn chiến sĩ lẫn những người dân đảo và khách thăm đảo.
Các đảo ở Trường Sa giờ Tết nào cũng có bánh chưng, nhưng hành trình để có bánh chưng đủ gạo thịt, đậu xanh, lá dong là cả một câu chuyện dài của những người lính. Ngày trước tàu bè còn hiếm, mỗi dịp cuối năm đất liền không kịp gửi gạo nếp, lá dong ra, anh em bộ đội thường "chữa cháy" bằng cách độn thêm lá bàng vuông để tiết kiệm. Hơn chục năm trước, cái bánh chưng ở đảo vẫn ngai ngái vị lá bàng và chỉ có một lớp lá dong rách tướp đùm đi đùm lại bên ngoài. Trần Ngọc, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp từng có 36 tháng bám trụ ở Trường Sa Đông bảo rằng có khi còn chả có lá dong. Anh em tận dụng đủ thứ lá ở đảo để đùm ra một chiếc bánh cũng vuông vuông, có màu xanh nhìn như bánh chưng, còn nhân bánh thiếu tứ tung. Nhưng nhìn chiếc bánh ấy cũng đỡ nhớ hương vị Tết đất liền.
Bây giờ bánh chưng Trường Sa không thiếu vị gì. Lá dong cũng đủ, không cần phải có thêm loại lá nào khác. Đãi khách đến chơi, đảo Sinh Tồn còn ngả luôn một con heo rừng mời khách. Chú heo rừng nhưng sinh ra ở đảo, cũng là một phần bữa tăng gia. Mà trên chuyến tàu chúc Tết đảo, cũng mang thêm cho đảo vài chú heo để đảo đón Tết.
Không phải nơi nào cũng có chiếc bánh chưng trọn vẹn. Trên tàu Vạn Hoa 789 đang trực tại vùng biển Song Tử Tây, thượng úy Thanh Sơn - thuyền phó tàu, bảo rằng anh em không đủ điều kiện để gói bánh. Dù chỉ cách đảo vài hải lý nhưng vì nhiệm vụ, tàu không thể rời vị trí. Trước hành trình, anh em đã chuẩn bị sẵn mấy chiếc bánh chưng, để trong tủ đông, tới ngày Tết sẽ mang ra rã đông rồi luộc. Thượng úy Sơn vui vẻ: "Có bánh chưng là đủ Tết rồi". Sơn đã có hai năm liên tiếp ăn Tết trong những chuyến trực dài ngày trên biển, anh em trên tàu này cũng chẳng lạ gì những chiếc bánh đông lạnh.
Nói Tết ở đảo đã đủ đầy như đất liền thì cũng không đúng lắm. Lữ Kim Cúc, người dân sống trên đảo Sinh Tồn, cứ cười giòn tan: "Trời, tôi gửi tàu mua cho ít táo to để bàn thờ ngày Tết mà người ta nhầm gửi toàn táo bé tí à". Tiếp chúng tôi, Cúc mang luôn số táo vừa nhận được ra mời: "Rồi mình không có táo đặt bàn thờ thì mang mời khách. Năm nay bàn thờ đành để mấy thứ hoa quả nhựa tượng trưng thôi". Cúc bảo không sao vì quen rồi. Ông bà tổ tiên hẳn cũng không nỡ trách sự khó khăn ở đảo.
Có điều, trên đảo đủ tiếng cười mùa xuân. Lê Hạo Nam, cậu bé 9 tuổi trên đảo Sinh Tồn, tíu tít khi thấy có khách tới thăm nhà. Ngày Tết, cậu bé tít mắt cười bảo sẽ được đi chùa, được các anh các chú cho tiền lì xì. Tối hôm luộc bánh chưng, cả hai anh em Lê Hạo Nam và Lê Quốc Việt đều phấn khích. Lâu lắm đảo mới đông vui vậy. Nồi bánh chưng giữa đảo tối đó có câu chuyện của những anh lính 18 đôi mươi trẻ măng lần đầu xa nhà, của những đứa trẻ làn da bánh mật chắc nịch và nụ cười rạng rỡ, của những người đã dạn dày cát và nắng Trường Sa cùng những vị khách vẫn còn chút mệt mỏi sau hơn chục ngày lênh đênh trên biển. Cái Tết sớm cũng thêm phần hương vị.
Có những người đón Tết mà không hẳn có Tết. Thuyền câu Bình Định 97528 TS của ông Huỳnh Tấn đã lênh đênh trên biển tới ngày thứ 25. Ông xác định năm nay ăn Tết trên biển. Đã 30 năm đi biển, anh em Huỳnh Tấn - Huỳnh Tẩn bảo rằng ăn Tết ở nhà chỉ có vài ba lần, còn mùa đó là phải ra khơi. Cái chân đau nhức từ dạo còn đi đánh cá phía đảo Tiên Nữ khiến tàu ông Tấn phải dừng mấy ngày để ông lên bệnh xá đảo Sinh Tồn khám. "Nghề này không nhìn Tết được cô ạ", người đàn ông gần 50 tuổi kể. Mùng 1 mùng 2 Tết là lúc cá nhiều, tàu phải rong ruổi theo luồng cá nên thời gian ăn Tết chẳng nhiều nhặn gì.
"Mùng 1 Tết năm ngoái tôi ở Song Tử Tây, vừa đưa chén rượu mừng năm mới thì gặp cá, anh em bỏ chén lao hết ra mũi thả câu", ông Tấn nhớ lại. Họ đang ráng tới rằm tháng Giêng, đủ sản lượng cá dự tính mới trở về. "Năm kia tôi ở Song Tử Tây, đón Giao thừa đảo cũng có gà, có bánh chưng mà chúng tôi bận làm cá, đâu có lên đảo được".
Cũng chung hành trình Tết lênh đênh có tàu Phú Yên 92692 TS. Ngư dân Trần Kim Quy bảo Tết trên biển thì chẳng có gì to tát, làm nghề này còn trông Tết thì lấy gì ăn. Nhưng năm mới đánh cá ở đây thì yên tâm lắm. "Anh em ở đảo nhiệt tình giúp đỡ, bảo vệ bà con trên biển. Mình có số điện thoại của họ. Có việc gì cứ gọi là được hỗ trợ luôn. Như năm trước tàu mình chết máy, tàu ở đảo chạy ra kéo vào ngay để khắc phục".
Vì yên tâm, nên áp Tết, những con tàu đánh cá vẫn miệt mài trên biển như vậy. Khi mà đất liền nghỉ Tết, thì ngoài biển, từ ngư dân tới cán bộ chiến sĩ trên đảo, những người làm công tác hậu cần nghề cá ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa… vẫn tất bật với công việc. Đại úy Lê Văn Hiệu, Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật đảo Sinh Tồn bảo đó là "giúp đỡ bà con vươn khơi bám biển". Để vươn khơi, thì cảm giác yên tâm khi đánh cá trên đất của mình, biển của mình quan trọng lắm. Mỗi con tàu trên biển, đều có phía sau họ rất nhiều bóng dáng của những người hỗ trợ.
Sư trụ trì trên đảo Sinh Tồn Đông Thích Lệ Quang khẽ khàng rằng, ở đây gọi là Sinh Tồn vì cây cối ở đây phải rất vất vả để tồn tại được. Thực ra, ở đảo Trường Sa, nơi nào cũng phải mang một sức chiến đấu mạnh mẽ cả. Đảo lò vôi khô cháy như An Bang, đảo gió quật tơi bời như Trường Sa Đông, đảo sóng cồn bão giật như Song Tử Tây, đảo cát oằn mình suốt một năm chỉ được một chiều rẻ quạt như Sinh Tồn Đông…, 33 điểm đảo đều nhọc nhằn.
Nhưng trên hết, trên mỗi quần đảo, "người đồng mình" vẫn từng ngày hiển diện, lặng lẽ, giản đơn. Ngày Tết, nghe một tiếng chuông chùa trên đảo, nghe tiếng lũ trẻ cười trong vắt cả dọc những bờ sóng, nghe tiếng mấy cậu chiến sĩ cười khúc khích phía mấy cây phong ba, thấy mùa xuân hóa ra cũng không cứ phải có mai đào hay xúng xính áo đẹp, xe sang xuống phố. Mùa xuân cũng có thể là tuổi trẻ trên tuyến đầu, là những niềm vui giản dị khi thấy biển lặng, để thấy ngoài đảo xa, "tiếng nước tôi" luôn ở đó. Mấy nghìn năm đất nước bên bờ sóng, mùa xuân trên đảo vẫn vậy.
Gió Trường Sa
Biển Trường Sa
Nước thành vĩnh cửu có ta một thời
Trường Sa biển
Trường Sa trời
Có câu song sóng có lời tăm tăm"
(Trích Trường ca biển, Hữu Thỉnh)
Mai Nguyên