Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên
Theo truyền thống hằng năm, Lễ Tết thầy được tổ chức trang trọng tại Văn miếu Trấn Biên vào ngày mùng 3 âm lịch. Đây là một sinh hoạt truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam đã được Đồng Nai tổ chức đều đặn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Lãnh Đạo tỉnh tham dự Lễ Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên
Thông thường, Lễ Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên được UBND thành phố Biên Hòa phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Nai tổ chức với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và các thế hệ thầy, cô giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã về dự, học sinh tiêu biểu ở các trường tiểu học, THCS, THPT của thành phố Biên Hòa, trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Đại học Đồng Nai), Đại học Lạc Hồng.
Lễ Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên được tổ chức trang trọng, với các nghi thức: dâng hoa kính tặng thầy cô giáo; dâng hương, tưởng niệm bày tỏ lòng ghi nhớ công ơn các bậc danh nhân văn hóa, các thế hệ nhà giáo và sau đó là các cuộc gặp mặt của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh.
Sau các nghi thức dâng hương tưởng niệm bày tỏ lòng ghi nhớ công ơn các bậc danh nhân văn hóa, các thế hệ thầy, cô giáo thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo, lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, các em học sinh chúc các thầy, cô giáo sức khỏe, hạnh phúc, luôn xứng đáng với truyền thống là người "chèo đò chở đức, chở chữ và chở tâm" cho các thế hệ học sinh. Buổi lễ cũng là dịp gặp mặt đầy cảm động của các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh.
“Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” câu nói dân gian ấy dường như đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam mỗi khi Tết về - đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngày mùng 3 là ngày Tết Thầy, điều đó cho thấy rằng đạo lý của dân tộc ta thật tốt đẹp. Vào ngày này, học trò đến thăm thầy cô giáo, chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe thầy cô. Lễ Tết thầy được tổ chức trang trọng và ấm cúng tại Văn miếu Trấn Biên giúp gìn giữ đạo lý tốt đẹp ấy.
“Mùng ba Tết thầy” trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy. Nó đã trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của người Việt Nam nói chung. Dù ngày nay, xã hội có phát triển đến mấy, có những người mải vui bạn bè, gia đình, ham công danh phú quí mà quên bóng thầy cô giáo cũ, đó cũng là một điều đáng buồn, nhưng Tết vẫn là dịp để mỗi trái tim hòa cùng nhịp đập với mỗi người nhắc lại một nét đẹp xưa: phong tục “Tết thầy”. Đó là niềm vui không của riêng ai.
Ngọc Ngà