Tỉnh Phú Thọ đồng loạt ra quân trồng cây đầu Xuân. Ảnh: Báo Phú Thọ |
Hoạt động trồng cây đầu năm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên. Ngoài việc tạo không khí thi đua lao động, hoạt động này còn phát huy truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng.
Việc phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2019 có ý nghĩa khởi đầu cho phong trào trồng cây, trồng rừng của tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị ngày càng sạch, đẹp.
Hiện nay, tỉ lệ che phủ rừng ở Phú Thọ đạt 39,5%, trong đó rừng đặc dụng hơn 17.300 ha, rừng phòng hộ hơn 33.470 ha, rừng sản xuất 29.300 ha. Năm 2019, tỉnh Phú Thọ sẽ trồng trên 463.000 cây phân tán, khoảng 858 ha rừng tập trung. Năm 2018, tỉnh đã trồng mới 10.580 ha rừng sản xuất.
Cũng trong sáng nay, tại TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai), sau phát biểu kêu gọi các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây đầu xuân của Chủ tịch UBND TP. Lào Cai, các đại biểu và học sinh ở địa phương đã trồng hàng trăm cây xanh trên con đường vừa mở tại khu vực đền Cấm, thuộc phường Phố Mới.
Trong năm 2019, tỉnh Lào Cai sẽ trồng khoảng 400.000 cây phân tán trong “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; trồng 3.000 ha rừng tập trung, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất nhằm tạo nguồn và nâng cao thu nhập từ rừng cho người dân địa phương.
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi đầu xuân, các địa phương của tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019.
Trong những năm qua, Ninh Bình luôn phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Bên cạnh việc hạ tầng đô thị được tập trung xây dựng, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới hình thành, diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc.
Nhưng cùng với đó, các hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ đến cảnh quan sinh thái, môi trường và đời sống. Do vậy, việc trồng cây xanh trên các tuyến đường phố, nơi công cộng, trong các cơ quan, nhà máy, các khu đô thị, khu dân cư có vai trò quan trọng và thiết thực, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho đô thị, hạn chế ô nhiễm, giữ không khí trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, hình thành nét đẹp truyền thống của nhân dân mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Các lực lượng ở Nghệ An tham gia trồng cây. Ảnh: Báo Nghệ An |
Sáng 11/2, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, TP. Đồng Hới và đại diện các sở, ban, ngành địa phương đã trồng 410 cây xanh.
Mỗi năm tỉnh Quảng Bình trồng gần 5.000 ha rừng. Phong trào trồng cây phân tán trong cộng đồng dân cư cũng được chú trọng thực hiện nhằm tạo bóng mát, cảnh quan môi trường.
Năm 2019, tỉnh Quảng Bình đề ra kế hoạch trồng 5.500 ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán nhằm tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm nhẹ thiên tai, xóa đói giảm nghèo.
Trong năm 2018, Quảng Bình đã tập trung bảo vệ tốt trên 539.853 ha rừng tự nhiên và rừng trồng; trồng được trên 11.086 ha rừng tập trung, trong đó trồng mới 502 ha rừng phòng hộ và 10.726 ha rừng sản xuất.
Sáng 10/2, tại huyện Nghi Lộc, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, suốt 59 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa đầu Xuân, tạo sức lan tỏa sâu rộng ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An.
Từ phong trào Tết trồng cây đầu Xuân hằng năm đã thực sự thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ rừng của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,7%. Phong trào bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng cũng đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh-quốc phòng của tỉnh.
Theo kế hoạch năm 2019, tỉnh Nghệ An phấn đấu trồng mới khoảng 17.000 ha, bảo vệ tốt 951.400 ha rừng hiện có, khoanh nuôi rừng 76.000 ha, chăm sóc 46.740 ha rừng trồng.
BT (tổng hợp)