In bài viết

Thái Bình, Quảng Ninh: Hoàn tất chuẩn bị chống bão

(Chinhphu.vn) – Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ hồi 19.00’ ngày 10/11, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (đang chỉ đạo chống bão tại Vân Đồn) cho biết: Tỉnh đã chuẩn bị tất cả mọi điều kiện có thể để chống bão.

10/11/2013 19:37
Lực lượng đồn biên phòng Cô Tô kêu gọi tàu, thuyền và hướng dẫn ngư dân di chuyển đến nơi tránh trú bão. Ảnh Báo Quảng Ninh

Ông Nguyễn Văn Đọc cho biết: Tỉnh đã tổ chức 5 đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn xuống các địa bàn xung yếu để tập trung chống bão cùng cơ sở.

Về tàu thuyền, đến thời điểm hiện tại hơn 11.000 tàu cá và 466 tàu du lịch của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn.

Tại các địa phương có nguy cơ cao như Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Móng Cái,… tỉnh đã quyết liệt thực hiện di dân.

Đặc biệt, hơn 1000 dân ở làng chài Cửa Vạn; người ở trong những ngôi nhà dân yếu; lao động ở khu vực lán trại của công nhân ở một số khu công nghiệp cũng được di chuyển đến nơi an toàn.

Toàn bộ lực lượng phòng chống bão của tỉnh sẽ ứng trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ, ông Đọc khẳng định.

Chiều nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản thông báo tất cả các các trường học ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày 11/11/2013 (thứ Hai) để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.

Các Phòng GDĐT chỉ đạo các trường học các cấp trên địa bàn thông báo ngay đến cha, mẹ học sinh về kế hoạch nghỉ học. Trong trường hợp đặc biệt, nếu có học sinh chưa nhận được thông tin, vẫn đến trường thì nhà trường cần phải bố trí lực lượng tiếp nhận, quản lý và đưa các em vào nơi tránh bão an toàn và báo tin để gia đình đến đón.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy). Ảnh Lao động

* Hồi 18.45’ cùng ngày, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ: Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, nhất là việc kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu và di dân trên các chòi canh ngao, hộ dân sinh sống ngoài đê chính.

Chiều nay, 1.202 tàu, thuyền với 3.461 lao động của tỉnh đã vào nơi  neo đậu an toàn. Trong đó, có 17 phương tiện, với 130 lao động đã neo đậu ở tỉnh ngoài; 1.185 phương tiện, với 3.339 lao động neo đậu an toàn tại các bến trong tỉnh.

Ban chỉ huy PCLB huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác di dời 3.914 lao động trên các chòi canh ngao; di dời 1.669 hộ, với 6.334 khẩu sinh sống ngoài đê chính vào khu vự an toàn. Các huyện, thành phố còn lại đã tích cực triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện… chủ động sơ tán những hộ gia đình sinh sống trong các căn nhà không bảo đảm an toàn vào nơi chắc chắn…

Về công tác chống lụt, ông Sinh cho biết: 3 ngày qua, tỉnh đã cấp tập bơm nước, hiện mực nước trong đê thấp hơn 1m so với bên ngoài. Khi mưa lớn xảy ra, toàn bộ hệ thống máy bơm sẵn sàng bơm nước tiêu úng để bảo đảm an toàn cho cây vụ đông.

* Tại Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết: Đến 10 giờ sáng nay không còn phương tiện hoạt động xa bờ trên biển. Đơn vị cùng các địa phương đã thông tin cho hơn 4.100 phương tiện với hơn 12.000 lao động chủ động về nơi trú tránh.

Thành phố đã chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị quyết liệt, khẩn trương thực hiện bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi trú tránh an toàn, không để người ở lại các phương tiện, chòi canh thủy sản. Công tác di chuyển và neo đậu tàu thuyền, lồng bè hoàn thành trước 15 giờ; đình chỉ các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, phà đò, hoạt động vui chơi giải trí biển từ 15 giờ; tổ chức sơ tán người già, trẻ em ở các khu vực trũng thấp xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 17 giờ; hoành triệt cửa khẩu qua đê, cống xung yếu dưới đê trước 15 giờ. Thành phố tạm dừng các cuộc họp trong ngày 11/11 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão…

Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống bão với lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, với hơn 36.000 người cùng các nhu yếu phẩm khác.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống bão tại huyện Cát Hải. Hiện tại huyện này đã và đang triển khai thực hiện phương án 4 tại chỗ, thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị vật tư phương tiện, chủ động xử lý các đoạn đê kè cống xung yếu khi có tình huống xấu xảy ra.

Huyện huy động 874 người, trên 18.000 bao tải, cọc tre, 5.150 chiếc mai, cuốc, xẻng, 2.540 m3 đá hộc, 1.030 chiếc rọ thép, 24 xe ô tô; 17 tàu, thuyền các loại, 59 xe cải tiến, tham gia phòng chống bão. Huyện còn chuẩn bị 9 tấn gạo, 400 thùng mỳ tôm, 100 bình nước lọc phục vụ nhân dân vùng sơ tán.

Việc sơ tán, di dời gần 1000 người dân đến nơi tránh bão hoàn thành trước 17 giờ. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền cũng đã chủ trì cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống bão.

Theo đó, thành phố dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chống bão. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi, kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển về nơi trú tránh.

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; chủ động biện pháp phòng, chống úng lụt và bảo vệ hoa màu vụ đông; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu sự cố.

Bình Minh