In bài viết

Thái Bình: Quyết liệt thí điểm tập trung đất đai, xây dựng chính quyền điện tử

(Chinhphu.vn)  - Ghi nhận những kết quả rất đáng mừng của tỉnh Thái Bình như tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, cải cách TTHC mạnh mẽ, là địa phương duy nhất đã hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được giao, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần hết sức lưu ý một số vấn đề như hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, quyết liệt trong thí điểm tập trung đất đai…

29/05/2018 09:50

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đoàn công tác làm việc tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: VGP/Hà Chính

Ngày 29/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra UBND tỉnh Thái Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao; việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp thực hiện tập trung đất đai nhằm tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa lớn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động.

Kết quả kiểm tra cho thấy từ đầu năm 2017 tới nay, tỉnh được giao 401 nhiệm vụ và đã hoàn thành toàn bộ.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết Thái Bình là đơn vị thứ 48 và là địa phương thứ 8 được kiểm tra. Bộ trưởng cũng nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; không nhiệm vụ nào bị bỏ sót, không lĩnh vực nào không được quan tâm.

“Nhiều ý kiến nói có tình trạng 'trên nóng dưới lạnh'. Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng nói 'có tình trạng trên nóng dưới nóng giữa lạnh'. Kiểm tra để góp phần khắc phục tình trạng này”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Trước buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng Tổ công tác đã đi khảo sát thực tế việc giải quyết TTHC qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình. Trước đó, Thường trực Tổ công tác cũng đã đi khảo sát thực tế tập trung đất đai và mô hình trung tâm hành chính công cấp huyện tại huyện Quỳnh Phụ và huyện Vũ Thư.

“Thái Bình có lẽ là địa phương duy nhất không có nhiệm vụ chưa hoàn thành, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh”, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận.

Cùng với đó, năm 2017, kinh tế của tỉnh tăng trưởng ấn tượng ở mức 2 con số, đạt 11,12%, là 1 trong 3 tỉnh cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh có nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh, năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 đều tăng trên 22%.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ số PCI vào hạng trung bình cả nước, đứng 34/63 địa phương, tăng 6 bậc so với 2016 và tăng 20 bậc so với năm 2011. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) duy trì ở nhóm 10 địa phương cao nhất cả nước.

Khảo sát thực tế cho thấy hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình là hiệu quả, rất minh bạch. Đặc biệt, tỉnh đã cắt giảm ổn định 50% thời gian giải quyết các thủ tục.

“Kiểm tra cho thấy có hồ sơ cấp phép xây dựng chỉ 3 ngày xong, dù lịch hẹn lâu hơn. Đề nghị Tổ công tác ghi nhận thành công bước đầu của mô hình trung tâm hành chính công”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Xây dựng nông thôn mới của Thái Bình đạt kết quả rất tốt với 200 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 76% tổng số xã.

Đặc biệt, là tỉnh nông nghiệp, dân số đông, tỉnh đã xin thí điểm tập trung đất đai, hiện đang thí điểm ở Quỳnh Phụ và Vũ Thư, theo mô hình doanh nghiệp thỏa thuận với người dân. Tới nay đã có 39 tổ chức và 344 cá nhân tham gia tích tụ đất đai với 8.000 ha đất cho thuê.

Ảnh: VGP/Hà Chính

“Đề nghị làm quyết liệt cái này, cái gì khó, vướng thì tỉnh kiến nghị, nhưng doanh nghiệp cũng phải thể hiện quyết tâm, giao đất đến đâu làm đến đấy. Có một số khó khăn như liên quan đến hợp đồng thuê đất nhưng quyết tâm thì chúng ta sẽ giải quyết được, như thời hạn thuê đất chỉ 8-10 năm thì khó làm, vì nếu doanh nghiệp làm đàng hoàng, ví dụ nếu làm nông nghiệp hữu cơ thì riêng cải tạo đất đã mất 2 năm rồi để xử lý các chất độc hại, kim loại nặng…”, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị.

Cùng với đó, Tổ công tác đề nghị tỉnh tiếp tục nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng, mà trước hết phải hết sức quan tâm xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý và từng lĩnh vực.

Thứ hai, rất quan tâm xây dựng nông thôn mới, với truyền thống “Chị hai năm tấn” và kinh nghiệm của người dân trong nông nghiệp.

Thứ ba, hết sức quan tâm quản lý môi trường, an toàn thực phẩm. Bộ trưởng cho biết đã nhận được một số ý kiến về nhà máy xử lý rác thải đặt ngay trung tâm thành phố Thái Bình.Tinh thần là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đời sống người dân và cả các nhà đầu tư chân chính.

Thứ tư là về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nổi lên việc hàng trăm hộ dân phường Vũ Chính có khiếu nại về đất đai từ nhiều năm nay.

Thứ năm, từ thành công của trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, Tổ công tác rất mong tỉnh nâng lên một bước nữa là xây dựng chính quyền điện tử. Vừa qua, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng đứng đầu. VPCP, Tổ công tác sẽ hết sức ủng hộ, đồng hành cùng tỉnh Thái Bình cũng như các địa phương trong công tác này.

Hà Chính