Chỉ số PAR Index là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 11, nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính (CCHC) hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số này cũng giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để kịp thời có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.
Việc triển khai Chỉ số SIPAS được Bộ Nội vụ thực hiện nhằm lắng nghe nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng và kỳ vọng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân, từ đó giúp cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở khách quan để lựa chọn giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các biện pháp, giải pháp khắc phục, cải thiện và nâng cao Chỉ số SIPAS như cần nghiên cứu, áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhằm nâng cao tính khách quan, trung thực, công khai, minh bạch; những kinh nghiệm của các địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả PAR Index; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong triển khai PAR Index; kinh nghiệm của các địa phương, tổ chức trong triển khai PAR Index như khảo sát online, bấm nút trên các thiết bị điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ, Sở Nội vụ luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Nội vụ thực hiện hiệu quả, đúng quy định về các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025. Theo ông Nguyễn Thành Minh, công tác CCHC luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động triển khai của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, trong đó xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Minh, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, từ đó xây dựng các giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công như sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp (Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; cấp ủy nhiều địa phương ban hành Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện) cùng sự giám sát của HĐND, UBMTTQ các cấp.
Tỉnh đã tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế một cửa, một cửa liên thông như xây dựng đưa vào hoạt đông Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (Trung tâm được bố trí vị trí hết sức thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị, nhân lực); bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã cơ bản được bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân.
Bên cạnh đó triển khai ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên, ứng dụng xã hội số ThaiNguyen-ID; ứng dụng sổ sức khỏe điện tử; sổ tay đảng viên; thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực giáo dục, y tế; triển khai thí điểm các giải pháp xây dựng đô thị thông minh tại 3 thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên; đảm bảo 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công...
Đồng thời tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, Thái Nguyên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương công khai số điện thoại của Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ để tiếp nhận phản ánh về thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh (qua đây chúng tôi nhận rất nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân); tập trung kiểm tra đột xuất thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra trên 40 cơ quan, đơn vị, địa phương, qua kiểm tra có rất nhiều vụ việc kéo dài chưa được giải quyết đã được các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm, triệt để (rất nhiều việc người dân đề nghị nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều việc tranh chấp đất đai, chặn lối đi… chính quyền chưa giải quyết đến nay đã được giải quyết triệt để).
Ông Nguyễn Thành Minh cho rằng, cải cách hành chính là một bàn đạp cũng như một động lực đánh giá được sự nỗ lực các cấp chính quyền trong sự chỉ đạo điều hành. Tạo nên một công cụ, một thước đo giúp tỉnh Thái Nguyên nâng cao mọi chỉ số cũng như góp phần tạo sự phát triển kinh tế địa phương.
Minh Anh