Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thái 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 6,5% của 6 tháng năm 2021 và 2,74% của 6 tháng năm 2020.
Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,25%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,51%, đóng góp 4,86 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 5,89%, đóng góp 1,85 điểm phần trăm.
Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Thái Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả khởi sắc, với tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 9,81% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,9%, tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.
Ước tính, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 đạt 389.100 tỷ đồng, tăng 9,81% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm như sau: Điện thoại thông minh 48,6 triệu cái, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; camera truyền hình 41,7 triệu cái, tăng 25,7%; máy tính bảng 4,2 triệu cái, giảm 18%; tai nghe 30,6 triệu cái, tăng 23,4%; sản phẩm may 45,6 triệu cái, tăng 21,8%; xi măng 1,38 triệu tấn, tăng 3%...
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, tăng trưởng công nghiệp của tỉnh 6 tháng qua kết quả tích cực nhờ vào 3 động lực:
Thứ nhất, Thái Nguyên là một trong những địa phương có nền tảng công nghiệp phát triển, được đánh giá là “cái nôi” của ngành công nghiệp cả nước, với khoảng hơn 8.000 công ty sản xuất, trong đó hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp có sự tăng trường tốt.
Thứ hai, nhờ thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đã được kiểm soát hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tỉnh đã thực hiện rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện mô hình "Cà phê doanh nhân". Tại đây, lãnh đạo địa phương sẽ giải đáp những thắc mắc và trao đổi tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nhận định về những khó khăn trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều ảnh hưởng khi tình hình thế giới biến động, giá nguyên, vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, số lượng lao động sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm ngoái, số lao động đã giảm hơn 11.000 lao động so với cùng kỳ.
Để hoàn thành mục tiêu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Bá Chính cho biết, bên cạnh những chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chung liên quan đến cơ chế chính sách, đất đai... Thái Nguyên sẽ tiếp tục làm việc với từng khu vực doanh nghiệp cụ thể và cả những doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn.
Qua đó, đánh giá khu vực doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn ở lĩnh vực gì để có hướng tháo gỡ đúng và trúng, kịp thời với nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của địa phương.
PT