Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Liên như sau:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện theo Điều 5 Luật Bảo hiểm Xã hội số 71/2006/QH11 được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4, Nghị định 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ như sau:
- BHXH tự nguyện thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
- Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.
- Mức hưởng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH tự nguyện.
- Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Như vậy, BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người dân tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất từ quỹ BHXH do Nhà nước quản lý.
Mức đóng, phương thức đóng
Mức đóng, phương thức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện được quy định theo Điều 26, Nghị định số 190/2007/NĐ-CP thì người tham gia tự lựa chọn mức đóng, tùy theo mức thu nhập của mình. Năm 2010, mức đóng thấp nhất bằng 18% lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 lần mức thấp nhất. Từ năm 2012 mức đóng thấp nhất bằng 20% và năm 2014 trở đi đóng thấp nhất bằng 22% lương tối thiểu chung.
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn (gọi tắt là mức thu nhập tháng): thấp nhất bằng lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 lần lương tối thiểu chung.
Mức thu nhập tháng |
= |
Mức lương tối thiểu chung |
|
m |
× |
50.000 (đồng/tháng) |
Trong đó: m là số nguyên lớn hơn hoặc bằng 0 (do người tham gia lựa chọn).
- Phương thức đóng: lựa chọn có thể đóng hàng tháng hoặc hàng quý hoặc 6 tháng một lần.
- Thời điểm phải đóng: 15 ngày đầu tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; 45 ngày đầu quý đối với phương thức đóng hàng quý; 3 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần.
Trường hợp đã đóng theo phương thức đóng hàng quý hoặc 6 tháng một lần, mà trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì không phải truy đóng số tiền chênh lệch so với mức lương tối thiểu mới.
Trường hợp bà Mai Thị Kim Liên sau khi thôi việc, chốt sổ BHXH bắt buộc, bà Liên có thể lựa chọn hai hình thức sau:
Một là, bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, để khi trở lại làm việc theo chế độ hợp đồng hoặc chế độ tuyển dụng thì bà tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc;
Hai là lựa chọn hình thức tham gia BHXH tự nguyện ngay sau khi nghỉ.
Nếu bà Liên tham gia BHXH tự nguyện đan xen với thời gian ngừng tham gia BHXH bắt buộc thì thời gian tính để hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất là tổng thời gian tham gia của cả 2 loại BHXH bắt buộc và tự nguyện.
Để tham gia BHXH tự nguyện bà Liên cần liên hệ trực tiếp với BHXH quận, huyện nơi cư trú để được hướng dẫn làm tờ khai đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin, bài liên quan:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động hợp đồng
Mức tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội