Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, viện nghiên cứu của Việt Nam và các chuyên gia, giáo sư đến từ các trường đại học của Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng quy trình chặt chẽ để thúc đẩy quá trình tổ chức thực thi Hiến pháp. Để triển khai, cần tri thức, kinh nghiệm của các nước, mà việc triển khai và thể chế hoá Hiến pháp thành pháp luật của Nhật Bản là kinh nghiệm đối với Việt Nam hiện nay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông nhấn mạnh, sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua thì nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam là khẩn trương chuẩn bị các vấn đề liên quan để đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, ông Thông cũng chỉ ra những khó khăn hiện nay, như ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật chưa cao, Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên nhiều vấn đề khó lường có thể xảy ra; hệ thống pháp luật của Việt Nam xây dựng trên cơ sở của Hiến pháp 1992 bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi mạnh mẽ…
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chuẩn bị một kế hoạch tương đối kỹ càng cho quá trình thực thi một cách dài hạn với việc nâng cao nhận thức về Hiến pháp của nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và mỗi cơ quan Nhà nước trong việc triển khai thi hành Hiến pháp; bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đầy đủ phục vụ công cuộc xây dựng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm và tiến hành đồng thời tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; rà soát và sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu, giáo trình có liên quan đến Hiến pháp; đẩy mạnh việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về nội dung quan trọng của Hiến pháp 2013; tăng cường công tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp với các nước, các tổ chức quốc tế.
Việc tiến hành sửa đổi các chế định quan trọng của quốc gia về Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Bầu cử quốc gia, chính quyền địa phương... sẽ được sớm sửa đổi phục vụ cho các hoạt động của nền hành chính quốc gia và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND năm 2016. Các vấn đề về quyền con người và quyền cơ bản của công dân được đánh giá cao và thể chế kinh tế thị trường…
Tại buổi tọa đàm, GS. Higuchi Yoichi (Đại học Tokyo) đã trình bày tham luận về kinh nghiệm tổ chức thực thi Hiến pháp của Nhật Bản năm 1946. Đó là, thông qua bản Hiến pháp này, người dân Nhật Bản đã tạo ra quyền lực chính trị và thực thi nó, đưa đến sự thành công của nền kinh tế Nhật Bản.
Phó Cục trưởng Cục pháp chế Hạ viện Nhật Bản Tachibana Yukinobu đã giới thiệu tham luận: “Sự liên tục của các cơ quan trực thuộc Quốc hội khi thay đổi Hiến pháp”, với vai trò quan trọng của Cục Pháp chế Hạ viện Nhật Bản trong quá trình thực thi Hiến pháp của Nhật Bản…
Theo các diễn giả, đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp 2013, tạo thuận lợi cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.