Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
Trước đây Luật Đất đai năm 2003 (Khoản 2 Điều 52) quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân thuộc UBND cấp huyện, bao gồm cả trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu và khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền của mình.
Trong giai đoạn này, cơ quan dịch vụ công phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập theo 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện), trong đó Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chuẩn bị hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện ký cấp giấy chứng nhận. Quy định này phù hợp với bối cảnh cả nước còn nhiều thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu và cần tập trung nguồn lực công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu.
Đến nay, cả nước đã căn bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất (đạt khoảng 96% diện tích cần cấp), nhu cầu cấp giấy chứng nhận hiện nay chủ yếu phát sinh khi người sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp. Các trường hợp này đã được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận lần đầu nên đã một lần được Nhà nước xác lập quyền sử dụng thông qua việc cấp giấy chứng nhận. Do đó, khi đăng ký biến động do thực hiện các quyền thì chỉ cần cơ quan chuyên môn xác nhận trên Giấy chứng nhận đã cấp là vẫn bảo đảm tính pháp lý. Quy định này phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới.
Mặt khác, đối với nơi đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thì hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai được thành lập và hoạt động theo mô hình một cấp. Mô hình này có ưu điểm là hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất; việc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân khi tham gia giao dịch về đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP trong đó tại Khoản 23 Điều 2 đã quy định UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất của Văn phòng đăng ký đất đai để quy định việc cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. Các trường hợp ủy quyền cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp này được sử dụng dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, quy định này đã giải quyết được các khó khăn mà ông Hải nêu.
Trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai để hiện đại hóa ngành quản lý đất đai không nên đặt lại vấn đề giao lại thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận cho UBND cấp quận, huyện hay đặt lại vấn đề điều chỉnh để Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và môi trường như Luật Đất đai năm 2003 vì dẫn đến những bất cập sau:
- Làm tăng gánh nặng công việc cho bộ máy hành chính Nhà nước không cần thiết. Việc giao lại thẩm quyền cho cấp huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận khi thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận có biến động sẽ dẫn đến tạo áp lực cho chính UBND cấp quận, huyện. Do trước đây UBND cấp quận, huyện đã thực hiện ký cấp giấy chứng nhận lần đầu, nay lại phải xem xét lại từng hồ sơ thửa đất trước đây quận, huyện đã xem xét cấp giấy chứng nhận thì sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều cơ quan nhà nước như Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện tham gia vào xem xét tính pháp lý của một thửa đất hợp pháp đã được cấp Giấy chứng nhận. Như vậy, không phù hợp với yêu cầu của việc phân cấp thẩm quyền và cắt giảm các khâu thủ tục hành chính.
Trong khi đó, việc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ, Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai hoàn toàn có thể đáp ứng được.
- Làm tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính do trong quá trình thực hiện xuất hiện thêm hai cơ quan nữa để thẩm định hồ sơ và ký giấy chứng nhận như trước đây đó là Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận, huyện và UBND cấp quận, huyện.
- Trường hợp quy định Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường như trước đây thì sẽ gây tốn kém ngân sách Nhà nước do phải sắp xếp lại bộ máy nhà nước do hiện nay đã có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
(Theo monre.gov.vn)