Thông tư 45/2012/TT-BCA ban hành ngày 27/7/2012 quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ ra đời đã nhận được sự hưởng ứng của người dân cũng như hiệu quả trong công tác tuần tra kiểm soát trên toàn quốc.
Việc ban hành quy định này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, không những có ý nghĩa tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước mà còn có tác dụng bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của vai trò giám sát của người dân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, quy định mới này cũng góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến, đồng thời ngăn ngừa các đối tượng mạo danh cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc lực lược cảnh sát không có trách nhiệm tùy tiện chặn xe kiểm tra, xử phạt các phương tiện lưu thông trên đường.
Quy định này còn nhằm góp phần hạn chế tham nhũng, hối lộ trong hoạt động kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện nay.
Thông tư 45/2012/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 12/9/2012, nhưng đến ngày 1/1/2013 thì mẫu Giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ đã cấp trước đây mới hết hiệu lực. Thông tư 45/2012/TT-BCA chỉ điều chỉnh lực lượng CSGT, không điều chỉnh các lực lượng cảnh sát khác.
Theo quy định tại Thông tư 45/2012/TT-BCA, CSGT đường bộ phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và chỉ được sử dụng biển hiệu, Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. |
Tại Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA quy định:
“Trách nhiệm của cán bộ trong quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận
3. Phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu
4. Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân”.
Quy định về việc phải đeo biển hiệu khi tuần tra là phù hợp với các quy định trước đây về trang phục của CSGT. Tuy nhiên, quy định này chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông.
“Thẻ xanh” là quy định riêng của CSGT. Vì vậy, khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường bộ, CSGT phải đeo biển hiệu này, biển hiệu có giá trị thay thế số hiệu Công an nhân dân. Khi không làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, các cán bộ CSGT đeo số hiệu Công an nhân dân bình thường.
Quy định mới này không chỉ giúp các chiến sĩ hiểu và có ý thức trách nhiệm hơn về công việc của mình, thực hiện và xử lý tốt, linh hoạt và minh bạch trong quá trình làm nhiệm vụ của mình mà còn tránh trường hợp lạm quyền, giả mạo trong công tác dừng phương tiện và xử phạt trái quy định trên đường.
Người có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt vi phạm
Hiện nay có một số văn bản pháp luật quy định về người có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm của người tham gia giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể:
CSGT đường bộ: Theo quy định hiện nay thì CSGT đường bộ là lực chính có thẩm quyền dừng phương tiện giao thông và xử phạt vi phạm. Điều này được quy định tại Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 và Thông tư số 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 của Bộ Công an.
Theo các quy định này khi thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, CSGT được dừng phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Song người có thẩm quyền kiểm soát phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ và xuất trình khi có yêu cầu đồng thời phải đeo biển hiệu (thẻ xanh) khi làm nhiệm vụ.
Các lực lượng khác: Tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định: Ngoài lực lượng CSGT đường bộ, việc huy động các lực lượng phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đó là: các lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và Công an xã, phường, thị trấn. Các lực lượng này được huy động phối hợp với CSGT đường bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông.
Đối với Thanh tra giao thông: Thông tư 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của thanh tra đường bộ thì thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, vi phạm Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, đình chỉ hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi phát hiện có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ.
Như vậy, những lực lượng có thẩm quyền được quy định với điều kiện cụ thể như vừa nêu trên mới được quyền dừng xe để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cũng phải nói rõ rằng, đối tượng vi phạm không thể cố tình, ngang nhiên vi phạm giao thông đường bộ bởi cho rằng chỉ có CSGT mới dừng xe xử phạt còn các lực lượng khác đang tham gia điều tiết giao thông thì không có quyền phạt.
Luật sư Nguyễn Chiến
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam