In bài viết

Thẩm quyền thẩm định điều chỉnh thiết kế và tổng mức đầu tư

(Chinhphu.vn) - Việc điều chỉnh dự án, thiết kế và dự toán xây dựng công trình của các dự án nếu được thực hiện sau ngày Nghị định số 42/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

23/07/2020 09:02
Ông Nguyễn Vĩnh Dương (Quảng Nam) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về thủ tục thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng với trường hợp dưới đây:

Công ty X làm chủ đầu tư dự án kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Dự án có nguồn vốn từ doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn. Dự án đã được cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định dự án (gồm thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư) và đã phê duyệt thực hiện từ năm 2014 theo Luật Xây dựng năm 2003.

Hiện nay, trong quá trình đầu tư, dự án cần điều chỉnh tổng mức đầu tư và thiết kế cơ sở để phù hợp thực tế làm cơ sở tiếp tục triển khai hoàn thành dự án. Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 16 Thông tư 18/2016/TT-BXD về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế và dự toán xây dựng thì "Cơ quan chủ trì thẩm định dự án, thiết kế cơ sở điều chỉnh là cơ quan đã chủ trì thẩm định đối với dự án, thiết kế cơ sở được duyệt".

Ông Dương hỏi, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp do công ty X đang làm chủ đầu tư như nêu trên, trước đây do cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định dự án (gồm thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư) thì nay nếu điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư có phải trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở điều chỉnh đối với dự án Nhóm A theo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định: “Đối với các dự án đầu tư xây dựng và thiết kế, dự toán xây dựng công trình, hạng mục công trình của dự án đã trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng; việc điều chỉnh dự án, thiết kế và dự toán xây dựng công trình của các dự án này nếu được thực hiện sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định này”.

Thẩm quyền thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, không phải theo quy định tại Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo nguyên tắc áp dụng pháp luật hiệu lực cao hơn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Khoản 5 Điều 13 Thông tư số 18/2016/TT-BXD quy định: “Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có phần tham gia bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì dự án được thẩm định như đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách”.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp Nhà nước góp vốn trong công ty X để thực hiện dự án đầu tư xây dựng với tỷ lệ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án nhóm A thì dự án được thẩm định như với dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án.

Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước góp vốn trong công ty X để thực hiện dự án đầu tư xây dựng với tỷ lệ dưới 30% và từ 500 tỷ đồng trở xuống trong tổng mức đầu tư của dự án thì dự án được thẩm định như với dự án sử dụng vốn khác và thẩm quyền thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP.

Chinhphu.vn