Ông Thắng cho rằng ông Cảnh không phải con liệt sĩ vì ngày, tháng, năm sinh của ông Cảnh và ngày hy sinh của liệt sĩ không phù hợp quy luật tự nhiên. Sau nhiều lần tra cứu, xác minh hồ sơ, giấy tờ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã ban hành quyết định khẳng định chế độ thờ cúng ông Cảnh đang hưởng là đúng pháp luật. Ông Thắng không chấp thuận quyết định giải quyết này và khởi kiện ra tòa.
Đến nay, ông Thắng đề nghị Tòa án thực hiện xét nghiệm ADN. Ông Cảnh hỏi, yêu cầu của ông Thắng có hợp lý không? Kết quả xét nghiệm ADN có đủ làm căn cứ để quyết định cắt chế độ thờ cúng liệt sĩ của ông không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Cảnh hỏi như sau:
Bên cạnh việc xác định con chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật về hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình cũng có quy định, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Trường hợp ông Hoàng Đình Cảnh, ngày sinh theo giấy khai sinh là 14/6/1969, là con của liệt sĩ Hoàng Đình Voòng. Ngày hy sinh của liệt sĩ Hoàng Đình Voòng theo giấy báo tử là ngày 8/8/1968.
Nếu thông tin trên giấy khai sinh và giấy báo tử là chính xác thì, ông Hoàng Đình Cảnh được sinh ra sau 311 ngày kể từ thời điểm liệt sĩ Hoàng Đình Voòng hy sinh (thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân do một bên chết trước), đây là lý do để ông Hoàng Đình Thắng (gọi liệt sĩ Voòng là chú) đưa ra nghi ngờ ông Cảnh không phải là con chung của vợ chồng liệt sỹ Voòng.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vào những năm 1968-1969, cùng công nghệ hành chính lạc hậu lúc đó, rất có thể đã để xảy ra sai sót về thông tin khi cấp giấy khai sinh, giấy báo tử.
Do ông Thắng không đồng ý với quyết định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh liên quan đến chính sách ưu đãi, chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với ông Cảnh nên đã khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Tòa án tuyên hủy các quyết định này.
Quyền đưa ra chứng cứ để xác định con
Khoản 1, Khoản 2 Điều 89 của Luật Tố tụng hành chính quy định, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự.
Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.
Căn cứ quy định này, theo yêu cầu của ông Thắng, Tòa án đã ra quyết định trưng cầu giám định AND để xác định ông Cảnh có phải là con của liệt sĩ Voòng hay không? Chưa bàn đến các bất cập trong việc lấy mẫu so sánh, khi mà đối tượng so sánh trực tiếp là liệt sĩ Voòng nay chưa tìm thấy hài cốt và còn có tranh cãi về đối tượng so sánh gián tiếp, thì ngay các quy định của pháp luật cũng có xung đột về người có quyền yêu cầu xác định con.
Khoản 2 Điều 88 và Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Khoản 2, Điều 38 Bộ Luật Dân sự quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo các quy định này thì chỉ có cha, mẹ ông Cảnh mới có quyền đưa ra các chứng cứ để Tòa án xác định ông Cảnh không phải là con mình. Chỉ có cha, mẹ ông Cảnh mới có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định để xác định ông Cảnh không phải là con mình hoặc là con mình. Cha, mẹ ông Cảnh đều đã chết thì không ai có quyền thay thế đưa ra yêu cầu xác định con.
Việc thu thập, sử dụng thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật gia đình ông Cảnh phải được chính ông Cảnh đồng ý.
Theo luật sư, việc Tòa án căn cứ Điều 89 của Luật Tố tụng hành chính theo yêu cầu của ông Hoàng Đình Thắng đã ra quyết định trưng cầu giám định AND để xác định ông Hoàng Đình Cảnh có phải là con của liệt sĩ Hoàng Đình Voòng hay không, là xung đột với quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình và Khoản 2, Điều 38 Bộ Luật dân sự.
Trong vụ án hành chính này, ông Hoàng Đình Thắng được xác định là người khởi kiện; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là người bị kiện; ông Hoàng Đình Cảnh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối tượng khởi kiện là quyết định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội liên quan đến chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho ông Hoàng Đình Cảnh là con liệt sĩ.
Trong khi việc tri ân, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước không chỉ là việc riêng của mỗi người con, mỗi gia đình, dòng tộc, mà là công việc chung của cộng đồng xã hội. Do có nghi ngờ về huyết thống của người đang thờ cúng liệt sĩ đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, dẫn đến tranh chấp quyền hưởng chế độ ưu đãi, vô hình chung làm sai lệch ý nghĩa cao cả của việc thờ cúng, tri ân liệt sĩ, xúc phạm đến vong linh liệt sĩ, vợ liệt sĩ và cả những người đang thờ cúng liệt sĩ.
Nếu những thông tin đúng như ông Hoàng Đình Cảnh phản ánh thì, việc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho con liệt sĩ đã thực hiện đúng đối tượng thụ hưởng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công. Quyết định đó không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Đình Thắng, do đó việc ông Thắng khiếu kiện đối với quyết định này của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là không có cơ sở.
Căn cứ Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình, ông Hoàng Đình Thắng không có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định AND đối với ông Hoàng Đình Cảnh để xác định con của liệt sĩ Hoàng Đình Voòng.
Ông Cảnh có quyền đề nghị Tòa án thu hồi Quyết định trưng cầu giám định AND đối với ông và đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông Thắng đối với quyết định hành chính bị kiện.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.