Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê |
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trùng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn), trước Uỷ ban Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 11/2018, trong 2 ngày 15-16/10, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn về vấn đề hồ sơ bảo vệ Báo cáo và Phiên bảo vệ giả định cho Đoàn Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam cho biết, Báo cáo lần này có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam, giúp nhìn lại những việc đã làm được, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các quốc gia thành viên khác cũng như những khuyến nghị của Ủy ban để cải thiện quá trình thực hiện Công ước trong thời gian tới.
Trung tướng, GS.TS.Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.
Sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ kỳ vọng Hội thảo tham vấn và Phiên bảo vệ giả định sẽ là những hoạt động thiết thực nhằm tham vấn ý kiến, tiếp thu kinh nghiệm và thu thập ý kiến phản biện đa chiều của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia. Thông qua các hoạt động tại Phiên bảo vệ giả định, các thành viên Đoàn công tác sẽ được trải nghiệm các tình huống dự kiến diễn ra tại Phiên bảo vệ chính thức.
Trung tướng, GS.TS.Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an). Ảnh: VGP/ Thu Lê |
Tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đã giới thiệu tóm tắt Hồ sơ bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn. Theo đó, Báo cáo dài 72 trang với 246 khổ, chia làm 3 phần, kèm theo 14 phụ lục liên quan. Phần I khái quát về quá trình tham gia Công ước và quá trình xây dựng Báo cáo của Việt Nam, về áp dụng các điều ước quốc tế và vị trí trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Phần II tập trung vào liệt kê, phân tích, đối chiếu, so sánh nội dụng 16 điều của Công ước với quy định của Pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định mức độ tương thích, phù hợp. Trên cơ sở các phân tích, nhận định, đánh giá về những ưu điểm và khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình thực thi Công ước, Báo cáo đã tóm tắt phương hướng thực hiện Công ước trong thời gian tới tại Phần III.
Báo cáo cho rằng những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người cùng với tình hình chính trị ổn định và những chính sách, định hướng phát triển kinh tế-xã hội phù hợp là tiền đề và thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình triển khai, thực thi Công ước. Tuy nhiên, Việt Nam vấn còn một số khó khăn cần khắc phục để thực thi có hiệu quả Công ước trong thời gian tới.
Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người chưa đồng bộ. Trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên họ có thể hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân. Vì vậy, việc cá nhân lạm quyền khi thực thi công vụ vẫn có thể xảy ra. Điều này gây khó khăn nhất định cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và đào tạo cán bộ.
Nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Công ước chống tra tấn có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam.
Việc phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân dân cũng cần nhiều thời gian và phải thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu. Trong khi, ở một số địa phương, đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân chưa cao hoặc những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thì việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước và pháp luật Việt Nam có liên quan còn gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt về phong tục, văn hoá, ngôn ngữ…
Tại Hội thảo, ông Geogre Tugushi, nguyên thành viên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc đánh giá, Báo cáo của Việt Nam là một trong số những báo cáo đầu tiên có chất lượng tốt, trong khi rất nhiều quốc gia thành viên gặp khó khăn trong thực hiện báo cáo này.
“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo của Việt Nam thừa nhận còn nhiều vấn đề khó khăn mà Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua để tuân thủ theo các điều khoản của Công ước, điều này sẽ được đánh giá cao trong Phiên bảo vệ tại Ủy ban”, ông Geogre Tugushi cho biết.
Theo ông Geogre Tugushi, các câu hỏi của Ủy ban tại Phiên bảo vệ thường là “cửa ải” khó khăn nhất, vì vậy, những thành viên trong đoàn cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng vì phạm vi đặt câu hỏi rất rộng. Thành phần Đoàn tham dự không chỉ bao gồm những người chấp bút, hiểu rõ về báo cáo mà còn phải am hiểu những thông tin liên quan khác.
Sau khi kết thúc Hội thảo tham vấn, Phiên bảo vệ giả định sẽ được tiến hành trong 1,5 ngày với sự tham dự của 45 đại biểu là thành viên của Đoàn công tác liên ngành và Tổ thư ký bảo vệ Báo cáo và các chuyên gia UNDP Việt Nam.
Công ước chống tra tấn là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 7/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực thi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước. |
Thu Lê