Đây là bài ký về sông Nhị Hà (Sông Hồng) trong Phương Đình văn loại của Nguyễn Văn Siêu, một người con của Hà Nội, cũng là người hiểu Hà Nội đến từng chân tơ kẽ tóc, văn chương lừng lẫy một thời.
![]() |
Sông Hồng đoạn qua Hà Nội ngày nay |
Tôi thường xem các sách ghi chép và bản đồ về núi sông trong thiên hạ, biết được núi lớn nhất nước Việt ta là Núi Tản Viên, sông lớn nhất nước Việt ta là Sông Nhị.
Trong số những tên núi, tên sông được chép trong các sách đều có tên núi, tên sông này.
Sông Nhị vòng ôm phía Đông Bắc Thành Thăng Long; có thể do hình sông giống cái khuyên đeo tai, cho nên có tên là Sông Nhĩ.
Xưa kia, khi Vua Lý Thái Tổ lập Kinh đô, có con rồng vàng hiện lên ôm thuyền ngự, nhân đó mới đặt tên Kinh đô là Thăng Long, tức ngày nay là Bắc Thành vậy.
Từ phía Tây Thành Thăng Long, Sông Nhị uốn ngược lên, dài hơn nghìn dặm. Tận nguồn sông là Tây Lĩnh, đó là nơi phát nguồn của Sông Nhị. Từ phía Đông Thành Thăng Long, Sông Nhị men theo thành mà chảy xuôi, dài hai trăm dặm, chảy ra Biển Đông, đó là cửa sông.
Nhìn trên, dưới, trái, phải; hoặc chỗ sông lớn gặp nhau; hoặc chỗ sông nhỏ chia nhánh, nhiều không kể nổi. Riêng ở phía Đông Thành Thăng Long, có một nhánh sông chảy thông với Sông Tô Lịch, quành lên phía Bắc thành rồi chảy sang phía Tây, vòng ôm đồng bằng rồi lại chảy về phía Nam, nhập vào sông lớn. Đó là nhánh sông chia rồi lại hợp vậy.
Sông Nhị có nhiều chỗ eo, nhiều chỗ hiểm trở; giống như chỗ đai áo, đường thẳng bỗng khuất khúc; sông nghìn dặm tự nhiên quành, như cánh cung kéo căng dây.
Bên sông tuy không có núi non, cồn đảo, nhưng lên Thành Thăng Long nhìn xa, ngoài trời biếc đồng xanh, thấy một dải xanh rờn nhấp nhô, thấp thoáng ẩn hiện, suốt từ Tản Viên trôi xuống, tựa đôi cánh chầu về Kinh đô Thăng Long; hình thế giống chùm sao hướng về một phía, tuy cõi xa chẳng thể xem gần, song thế lớn há coi thường được sao!
Núi sông nghìn dặm, tượng trưng cho vẻ bên ngoài, nét bên trong vẻ ấy, đó chẳng phải là sự hùng vĩ của nước Việt ta hàng triệu năm đó ư!
Từ khi nhà Tây Sơn lật đổ nhà Lê, đất này dần dần bỏ phế; nhưng trước nhà Lê và sau nhà Lý, đã có ba triều lấy đất này dựng Kinh đô. Tuy người thuận theo đức thì thịnh, song bên trong vẫn có sự ứng với vượng khí của núi sông. Còn chỗ mà có đủ hình thế độc đáo, thì Nhị Hà chính là chỗ trời cho vậy.
Đến mùa Xuân và mùa Hạ giao nhau, thung lũng các núi chứa nước mưa, làm thành lũ đổ dòng nước đỏ về, dâng lên ngàn trượng, ào ạt chảy xuống. Mỗi khi gió gây sóng dậy, muôn lá thuyền buồm hoặc xa hoặc gần, như chim bay, như diều lượn, phấp phới giữa không gian, khiến người xem mê mải ngẩn ngơ, bâng khuâng khôn xiết.
Sau mùa Thu mùa đông, sông yên sóng lặng, dòng sông trong tựa ngọc; rời bờ trăm bước, có thể theo bậc mà xuống. Mỗi khi mây giăng mưa bấc, thuyền chài cuốn mái, hoặc hát hoặc hò; chiều tà đợi trăng trong, thảnh thơi giữa cảnh sông nước. Người nghe giọng hát điệu hò, thấy lòng rộng mở, ý danh lợi bỗng quên.
Đó cũng là vẻ đẹp hồn nhiên trong bốn mùa của Nhị Hà vậy.
Còn như gác rồng thủy tạ, gối sóng kề ghềnh, lâu ngày đã cùng bờ lở tàn lụi, biến thành cát trôi!
Phảng phất tựa còn dấu xưa, chỉ còn lại khói bếp của xóm dân ven sông.
Ôi! Từ khi có trời đất đã có sông núi này. Có sông núi này, thì có hình thế này! Cho nên trời tạo ra và đất giữ lại, lưu truyền cho người đời. Đến như thịnh vượng hay hư phế, người đời há không quan tâm, sông núi há không chạnh lòng sao?
Còn ta được an ủi gì chăng?
Đó là điều ta đáng viết bài ký này vậy!
Ngày mùa đông
Năm Minh Mệnh thứ 7 (1827)
Trích Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long