In bài viết

Tháng 7/2023 - nóng nhất trong lịch sử

(Chinhphu.vn) - Ngày 8/8, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất đến thời điểm hiện tại với nhiều kỷ lục bị phá vỡ.

09/08/2023 11:02
Tháng 7/2023 - nóng nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu trong các tháng 7 từ năm 1940 đến năm 2023: Màu xanh lam biểu thị năm mát hơn trung bình, trong khi sắc đỏ biểu thị năm ấm hơn trung bình - Nguồn: climate.copernicus.eu

Thông tin trong bài viết: "July 2023 sees multiple global temperature records broken" (tạm dịch: Tháng 7/2023 chứng kiến nhiều kỷ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ) của Copernicus (climate.copernicus.eu) cho biết tháng 7/2023 là "tháng nóng đạt kỷ lục trên toàn cầu".

Cụ thể, tháng 7 bắt đầu với kỷ lục nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu hằng ngày bị phá vỡ trong 4 ngày liên tiếp (từ ngày 3-6/7). Sau đó, tất cả các ngày trong suốt phần còn lại của tháng đều nóng hơn so với kỷ lục trước đó là 16,8 độ C được thiết lập vào ngày 13/8/2016, khiến 29 ngày (từ ngày 3 đến ngày 31/7) trở thành 29 ngày nóng nhất được ghi nhận.

Nhiệt độ trung bình tháng 7/2023 là 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với kỷ lục ghi nhận vào tháng 7/2019 (16,63 độ C).

Trong đó, ngày nóng nhất là ngày 6/7, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,08 độ C. Tuần đầu tiên và tuần thứ 3 của tháng 7, nhiệt độ cũng tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong tháng 7.

Cùng với đó, nhiệt độ bề mặt nước biển cao bất thường (20,96 độ C ghi nhận vào ngày 31/7) góp phần đưa tháng 7 trở thành "tháng đặc biệt ấm áp trên toàn cầu".

Copernicus cho rằng nhiệt độ phá kỷ lục là một phần của xu hướng gia tăng mạnh nhiệt độ toàn cầu. Điều không may là khí thải do con người tạo ra cuối cùng trở thành động lực chính của hình thái nhiệt độ gia tăng này.

Kể từ năm 1850, thế giới đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 1,2 độ C, chủ yếu do con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã khiến các đợt nắng nóng trở nên khắc nghiệt hơn, kéo dài hơn và diễn ra với tần suất thường xuyên hơn. Hậu quả là các hình thái thời tiết cực đoan khác như bão và lũ lụt gia tăng.

Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trong tháng 7 là thực tế của biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, GS. Petteri Taalas lên tiếng: "Nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính đang cấp bách hơn bao giờ hết và hành động vì khí hậu không phải là điều xa xỉ mà là điều bắt buộc"./.