Chùa Cầu Đông (ở phố Hàng Đường quận Hoàn Kiếm) thờ vua Lý Huệ Tông |
Kinh thành Thăng Long được kiến lập từ năm Canh Tuất 1010 theo quyết định của Vua đầu triều Lý, từ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) đến Lý Chiêu Hoàng, cả thảy trải 9 đời vua, trong đó có 7 vị đã sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long.
Cuối năm Ất Dậu, ngày 21 tháng Chạp tức 10/1/1226, Vua Lý thứ 8 là Lý Huệ Tông trong hoàn cảnh đã suy nhược, nhường ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Thành, lên ngôi lúc mới 8 tuổi.
Chính quyền bấy giờ thực sự nằm trong tay Thái sư họ Trần là Trần Thủ Độ. Vị quan đầu triều có nhiều tài ba mưu lược này đã bố trí cho Trần Cảnh (cháu gọi ông bằng chú) vào triều giữ chức Chánh Thủ chầu cạnh Chiêu Hoàng, rồi chính Thủ Độ đã là người “đạo diễn” cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, để sau đó Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Trần Cảnh lên ngôi, tức Trần Thái Tông. Việc chuyển giao chính quyền từ họ Lý sang họ Trần diễn ra một cách hòa bình.
Thăng Long chứng kiến một triều đại mới ra đời mà không có cảnh đầu rơi máu chảy. Chiêu Hoàng tự từ bỏ ngôi vua nên nhà Lý coi như chỉ có 8 vị Hoàng đế, được thờ và tôn là Lý Bát Đế. Đền thờ Lý Bát Đế trải ngót nghìn năm hương khói uy nghi, nay còn tọa lạc trên đất Từ Sơn (Bắc Ninh) cách Hà Nội không đến 50 km.
Chỉnh trang thành Thăng Long
Trên cơ sở thành Thăng Long thời Lý, các vua Trần chỉ tu bổ mở mang rộng thêm. Những đền miếu được xây, đi vào tín ngưỡng dân gian, trở thành những nơi địa linh, như chùa Một Cột (Diên Hựu), quán Trấn Võ, đền Đồng Cổ.
Vòng thành giữa vẫn được gọi là Hoàng thành, hay Long thành. Năm 1243, nhà Trần đắp lại thành này, đổi gọi là thành Long Phượng, còn gọi là Phượng Thành.
Viên ngói thời Trần tìm thấy trong thành cổ. Ảnh:tư liệu |
Trong Cấm thành, có các cung điện được mở rộng như cung Quan Triều (nơi ở của vua), cung Thánh Từ (nơi ở của Thái Thượng Hoàng khi đã truyền ngôi cho con), điện Thiên An, điện Bát giác, điện Diên Hiền (nơi vua làm việc và thiết yến các quan), điện Tập Hiền (nơi họp mặt các vị đường quan và danh sĩ), điện Thọ Quang (nơi tiếp sứ thần nước ngoài), điện Diên Hồng (nơi một lần vào năm 1284 vua Trần đã tổ chức cuộc họp lịch sử để hỏi ý dân thông qua các vị bô lão về đường lối nên hòa hay nên chiến, khi họa xâm lược của quân Nguyên Mông đã ngấp nghé ngoài biên giới). Từ hội nghị lịch sử có một không hai ấy, điện Diên Hồng trở thành biểu tượng quý giá về một triều đại phong kiến thân dân, có ý thức trọng dân hiếm có trong thế giới trung cổ.
Quy hoạch thành Thăng Long ngay từ đầu đã bao gồm 2 khu vực khá rõ: khu vực thành – hành chính và khu vực thị-dân cư. Khu vực thứ 2 được bố trí thành phường, tập trung theo ngành nghề sản xuất. Năm 1230, con số phường đã lên tới 61 phường với những tên như An Hòa, Cơ Xá, Hạc Kiều, Giang Khẩu, Các Đài, Tây Nhai, Phục Cổ, Toán Viên…
Hệ thống giao thông trong nội thành đã được xây dựng để thuận tiện cho việc đi lại. Trên những con đường đó, nhà vua cho trồng cây xanh để đẹp thêm phố phường. Có một con đường trồng toàn những cây hòe ở phía Đông, đi men sông, được gọi là đường Hòe Nhai, thơm ngát hương hoa và còn lưu giữ khói hương từ ngôi chùa thờ Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử đã rời bỏ ngôi vua, chuyển cho một dòng họ khác.
Lại có một con đường trồng liễu ở phía Tây, gọi là đường Liễu Nhai (sau được gọi trệch là Liễu Giai). Hiện nay, Hà Nội đã có một con đường ở vào vị trí ấy, được mang tên cũ, là đường Liễu Giai (thuộc quận Tây Hồ).
Năm 1255 vua Trần còn cho trồng toàn muỗm trên con đường dài 500 trượng (khoảng 2km), từ bến Hồng (Bưởi) đến đê quai vạc Cầu Thần.
Những con đường với hòe, với liễu, với muỗm có từ xa xưa như thế đã chứng minh cho tư duy kiến thiết đô thị khá tinh tế của tổ tiên ta (trước khi tiếp xúc với văn minh phương Tây) về ý thức kiến thiết một kiểu đô thị xanh, thân thiện với môi trường.
Lá đề có 2 con rồng chầu thời Lý Trần (bên trái) và dấu tích con đường thời Trần khai quật ở Đoan Môn (năm 1998-1999). Ảnh tư liệu |
Khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức dưới thời Trần vào năm 1232 dưới triều vua Trần Thái Tông.
Nhà nước định lệ cứ 7 năm tổ chức một khoa thi Thái Học sinh, lấy người có học vị cao nhất, khởi đầu từ năm Kỷ Hợi 1239 cho đến năm 1247 bắt đầu đặt danh hiệu Tam Khôi cho 3 người đỗ đầu (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).
Trong số những người đỗ đại khoa thời Trần, có những gương mặt xuất sắc, có đóng góp lớn cho văn hóa nước nhà, như Bảng nhãn Lê Văn Hưu, nhà sử học (1247); Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, nhà ngoại giao (1304); Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, nhà thơ (1304) và các danh nho như Hồ Tông Thốc, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh…
Tháng 6 năm Quý Sửu 1253, nhà Trần chuyển nhà Thái Học thành Quốc Học viện, mở rộng cho cả người học giỏi trong quần chúng bình dân. Người Việt xưa rất trọng văn nhưng cũng có tinh thần thượng võ. Các hoàng đế Lý, Trần tự mình cũng rất say mê luyện tập võ nghệ.
Từ năm 1170, Vua Lý Anh Tông thường cuỡi ngựa ra tập bắn ở phía Nam thành Đại La, nơi được đặt tên là Xạ Đình. Đồng thời, cũng yêu cầu các quan võ hàng ngày phải luyện tập phép công chiến, phá trận.
Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường. Đây là một trường võ bị cao cấp, chuyên đào tạo các tướng lĩnh không chỉ về mặt kỹ thuật chiến đấu, mà quan trọng hơn, còn là kỹ năng chỉ huy, tham mưu. Chính từ Giảng Võ đường, nhà Trần đã đào tạo được nhiều tướng lĩnh xuất sắc cho quân đội, có đóng góp lớn cho các chiến thắng quân Nguyên-Mông bảo vệ được cho Thăng Long trường tồn.
Trần Thái Bình
(nhà nghiên cứu lịch sử)
Bài liên quan:
>> Lý Công Uẩn - Kiến trúc sư của Thăng Long nghìn năm tuổi
>> Vương triều Lý: Mở đầu thời kỳ hưng thịnh của nước Đại Việt