In bài viết

Thăng quân hàm Đại tá cho phi công Trần Quang Khải

(Chinhphu.vn) - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá cho phi công Trần Quang Khải. Đây là sự ghi nhận những đóng góp và hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội, với đất nước.

19/06/2016 17:15


Đồng đội đón Thượng tá Trần Quang Khải về với đất Mẹ.
Đại tá Trần Quang Khải, sinh ngày 20/10/1973, là phi công cấp 1, Phó Trung đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không Không quân.

Đại tá Trần Quang Khải hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu trên máy bay SU30MK2 vào lúc 7 giờ 15 phút ngày 14/6/2016 trên vùng biển ở khu vực gần đảo Mắt (Nghệ An).

Chiều 19/6, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, sáng 20/6 tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) đóng tại xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh, Nghệ An, Bộ Quốc phòng và các đơn vị, địa phương liên quan sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu cho Đại tá Trần Quang Khải theo nghi thức Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau đó thi hài Đại tá Trần Quang Khải sẽ được quân đội và gia đình đưa từ nhà tang lễ về quê ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

* Trước đó, Báo Nghệ An đưa tin vào lúc 5 giờ sáng nay, thi thể Thượng tá Trần Quang Khải được đưa lên bờ và chuyển về nhà tang lễ Quân khu 4. 

Thượng tá Phi công Trần Quang Khải sinh năm 1971, ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang). Anh cùng với Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường cùng có mặt trên tiêm kích SU30 MK2 số hiệu 8585 xuất phát từ sân bay Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa làm nhiệm vụ bay huấn luyện vào sáng 14/6.

Khi bay trên bầu trời thuộc vùng biển Nghệ An thì chiếc SU30 mất liên lạc. Hai phi công đã nhảy dù. Một ngày sau (ngày 15/6), ngư dân tìm thấy Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường trôi trên biển và đưa vào bờ an toàn.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải và  chiều 17/6, ngư dân đã tìm được thi thể người sĩ quan QĐND đã hy sinh.

Lễ truy điệu Thượng tá phi công Trần Quang Khải sẽ được tổ chức theo nghi thức của QĐND Việt Nam.

* Ngày 17/6, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã huy động 191 tàu của hải quân, cảnh sát biển và tàu cá ngư dân tham gia tìm kiếm. Số người tham gia tìm kiếm lên đến 2.300 người.

Khu vực tìm kiếm được chia thành 3 vùng. Vùng gần bờ do lực lượng Quân khu 4 và Bộ đội biên phòng đảm nhận. Khu vực tiếp theo do lực lượng Hải quân và ngoài cùng là lực lượng Cảnh sát biển đảm nhiệm.

Chiều 16/6, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện và trục vớt được một vật nghi là trục bánh của máy bay Su30.

*Trước đó, chiều 16/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng đã có mặt tại Sở chỉ huy tìm kiếm ở thị xã Cửa Lò, cùng chỉ đạo việc tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.

Trong nỗ lực tìm kiếm phi công Trần Quang Khải, chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan. Công điện nêu rõ: "Thực hiện kế hoạch tìm kiếm cứu hộ cứu nạn phi công của máy bay quân sự SU-30MK2 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 tích cực tìm kiếm trong 2 ngày qua. Hiện nay, đã tìm được 1 phi công đưa về đất liền an toàn, còn 1 phi công chưa tìm thấy. Vậy Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và thị xã Cửa Lò; các lực lượng; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tích cực tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn phi công.

Mọi thông tin liên quan đến kết quả tìm kiếm đề nghị thông báo về Sở chỉ huy phía trước tại thị xã Cửa Lò qua các số điện thoại sau: 0912.574.579, 0912.292.339, 0383.844.729.

Tàu thuyền nào phát hiện và tìm kiếm được phi công sẽ được khen thưởng kịp thời".

Hình ảnh đời thường Thượng tá Trần Quang Khải. Nguồn: Báo Nghệ An

*Chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, phương hướng 6 tháng cuối năm 2016 của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tổ chức sáng 16/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu tập trung nguồn lực, tìm bằng được phi công gặp nạn

Về công tác tìm kiếm phi công Trần Quang Khải của máy bay Su30 gặp nạn, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết khu vực tìm kiếm đang tập trung là phía đông biển Nghệ An.

Hiện nay, lực lượng chức năng dự đoán, theo dòng hải lưu thì phi công Trần Quảng Khải có thể đang dạt về phía bắc-đông bắc và cũng không loại trừ tình huống ít hơn là dạt về phía nam.

Về lực lượng, đến thời điểm này, đã huy động 32 tàu quân sự, 144 tàu của ngư dân các tỉnh từ Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh phía Nam; 6 máy bay của quân chủng phòng không-không quân, trong đó có 2 thủy phi cơ của hải quân.

Hôm nay (16/6), khu vực tìm kiếm sẽ mở rộng ra phía ngoài, cách bờ biển từ 100-120 km về phía đông, sử dụng thủy phi cơ bay dọc để tìm; tiếp tục phát thông báo hàng hải để ngư dân trên toàn bộ ngư trường quan sát, theo dõi để kịp thời phát hiện phi công. Một đài chỉ huy bay đã được thiết lập trên tàu cảnh sảnh biển để chỉ dẫn máy bay trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.  

Mở rộng phạm vi tìm kiếm

Bước sang ngày thứ 3 kể từ khi chiếc máy bay Su30 gặp nạn, hiện có hơn 100 tàu cùng khoảng 1.000 người đang dồn lực tìm kiếm Thượng tá phi công Trần Quang Khải và SU30 từ vùng biển Thái Bình vào đến Đà Nẵng.

Trao đổi với báo chí, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang mở rộng phạm vi và dồn toàn lực để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải trên chiếc Su 30 gặp nạn.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết ngày 15/6, sau 20 giờ ở trên phao cứu sinh của máy bay, phi công Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (Hà Tĩnh) cứu hộ và đã đưa vào bờ an toàn. Hiện sứ khỏe của Thiếu tá Cường ổn định.

Thông qua thông tin của Thiếu tá Cường, đã biết được có sự cố và nguyên nhân sẽ được xác định sau. Hiện nay, các lực lượng tập trung vào tìm kiếm đồng chí Khải.

Mặc dù trời đã tối và công việc tìm kiếm rất khó khăn nhưng lực lượng của Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng khác, nhất là của địa phương, đặc biệt là của tỉnh Nghệ An thành lập Ban chỉ đạo chỉ đạo các bên liên quan tiếp tục tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.

Hiện công tác tìm kiếm đã được mở rộng (từ Thái Bình trở vào). Ban chỉ đạo cuộc tìm kiếm rất mong  các tỉnh thông báo cho ngư dân trên biển tăng cường quan sát. Nếu phát hiện phi công Trần Quang Khải thì hỗ trợ việc cứu hộ, cứu nạn.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn khẳng định công việc tìm kiếm sẽ vẫn được tiếp tục tiến hành không ngừng nghỉ.

*Chiều 15/6 sau khi đưa Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường cập bờ an toàn vào lúc 13 giờ 30 chiều 15/6, các lực lượng của Trung ương và Bộ Quốc phòng, tỉnh Nghệ An tiếp tục dồn toàn lực tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.

Tỉnh Nghệ An đã huy động 56 tàu bao gồm 6 tàu của Bộ CHQS tỉnh, biên phòng và 50 tàu cá của ngư dân cho nỗ lực tìm kiếm.

Các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng dồn toàn lực để tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải.

Hiện nay, phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng. Lực lượng chức năng cũng huy động phương tiện gồm máy bay, tàu hải quân, tàu cứu nạn và nhiều tàu cá của ngư dân tích cực tìm kiếm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Nghệ An Đinh Viết Hồng đang có mặt tại sở chỉ huy ở thị xã Cửa Lò cùng chỉ đạo tìm kiếm.

Ngoài lực lượng của Trung ương và Bộ Quốc phòng, tỉnh Nghệ An đang huy động 56 tàu bao gồm 6 tàu của Bộ CHQS tỉnh, biên phòng và 50 tàu cá của ngư dân cho nỗ lực chung.

Các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Theo thông tin trước đó, khi chiếc SU30 gặp sự cố, cả phi công Nguyễn Hữu Cường và Trần Quang Khải đều đã bung dù. Thiếu tá Cường rơi xuống nước, cách Thượng tá Khải khoảng 6km. Khi rơi xuống biển, Thiếu tá Cường vẫn nhìn thấy Thượng tá Khải.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (người đứng giữa) được đưa vào bờ an toàn. Ảnh
Đưa Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường vào bờ an toàn

Vào lúc 13h30' ngày 15/6, Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường đã được đưa vào bờ an toàn tại cầu cảng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Đúng 13h30 phút, tàu cập cảng, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được đồng đội dìu lên bờ và đưa lên xe ô tô công vụ đợi sẵn ở cảng. Ngay khi Thiếu tá Cường lên xe, chiếc xe lập tức chạy về sở chỉ huy tìm kiếm tại thị xã Cửa Lò.

Báo Nghệ An thông tin sức khỏe của thiếu tá Cường khá tốt.

Trước đó, vào lúc 5h sáng 15/6, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 1 phi công của chiếc Su-30 số hiệu 8585 gặp sự cố trên biển Nghệ An. Phi công được tìm thấy là Phó phi đội trưởng Phi đội bay Su-30, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).

Khi chiếc máy bay gặp nạn, Thiếu tá Cường đã bung dù và rơi trên biển, được tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (quê tỉnh Hà Tĩnh) tìm thấy và đưa phi công lên tàu.

Đến 10h25', tàu biên phòng Nghệ An đã tiếp cận được tàu cá cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường. Thiếu tá Cường đã được chuyển tiếp sang tàu biên phòng. Sức khỏe phi công Nguyễn Hữu Cường khá ổn định.

Sau khi gặp sự cố, cả hai phi công đều bung dù

Trong một diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN đã liên lạc được với chủ tàu cá HT-20219 TS là ông Phạm Văn Lệ. Từ trên tàu cá của ông Lệ, phi công Nguyễn Hữu Cường cho biết: “Sức khỏe của tôi đã ổn định, chỉ bị xây xước nhẹ ở vùng tay, cổ do lúc nhảy dù xuống biển dây dù vướng trúng, tôi chỉ hơi đau ở vùng lưng".

Anh Cường cũng cho biết, sáng 14/6, anh cùng phi công Khải thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, khi đến khu vực đảo Mắt, Nghệ An đã gặp sự cố. Ngay khi sự cố xảy ra, anh Cường và anh Khải đã bung dù để thoát khỏi máy bay.

“Lúc đó, tôi nhìn thấy anh Khải nhảy ra trước, kế tiếp tôi cũng nhảy ra. Sau đó, tôi không biết anh Khải ở đâu nữa”, anh Cường thông tin thêm.

Sau khi tìm thấy và cứu sống Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang dồn toàn lực để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải (43 tuổi).

Dồn toàn lực để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải

Sáng 15/6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã có mặt tại Nghệ An, trực tiếp chỉ huy việc cứu hộ, cứu nạn chiếc Su-30 mất tích.

Sau khi Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được ngư dân tìm thấy và cứu sống, lực lượng cứu hộ, cứu nạn dồn toàn lực để tìm kiếm phi công còn lại, Thượng tá Trần Quang Khải.

Về phía tỉnh Nghệ An, đoàn công tác do đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đang có mặt tại thị xã Cửa Lò, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn.

Lực lượng tìm kiếm đã mở rộng diện tích từ vùng biển Thanh Hóa đến Quảng Bình, thông báo với tất cả tàu thuyền của ngư dân trên biển cùng vào cuộc để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.

Đưa thiết bị chuyên dụng tìm kiếm hộp đen

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, ngay sáng xảy ra sự cố (14/6) đối với chiếc máy bay Su-30 số hiệu 8585, đơn vị đã cử một đoàn công tác gồm các cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cùng với thiết bị dò tìm hộp đen thế hệ mới vào vùng biển Nghệ An tham gia tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay đang mất tích.

Thiết bị dò tìm “hộp đen” của VATM là dòng thiết bị thế hệ mới do Công ty RJE Internetional của Mỹ cung cấp, gồm có 3 bộ máy thu định hướng trên mặt nước và 1 bộ máy thu định hướng dành riêng cho thợ lặn. Thiết bị làm việc dựa trên những tín hiệu âm tần thu được từ hộp đen tàu bay phát ra, với khoảng cách tối đa là 750 m đối với máy thu định hướng trên mặt nước và 1 km đối với máy thu định hướng dành cho thợ lặn.

“Khi thu được tín hiệu này, trên màn hình thiết bị tìm kiếm sẽ nhấp nháy và các mũi tên sẽ hiển thị phạm vi và hướng tới hộp đen giúp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn xác định được vị trí của hộp đen, để nhanh chóng xác định vị trí của máy bay tai nạn”, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Giám đốc VATM cho biết.

* Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, vào lúc 6h50' ngày 14/6, máy bay Su 30Mk2 mang số hiệu 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân làm nhiệm vụ bay huấn luyện đã bị mất liên lạc.

Phi công bay huấn luyện trên máy bay gồm: Thượng tá Trần Quang Khải (quê xã Tân Rĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371; Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (quê xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), Phi đội trưởng.

Nguyên nhân sự cố của máy bay Su 30Mk2 mang số hiệu 8585 đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn

Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1031/CĐ-TTg về việc máy bay Su 30-MK2 của Quân chủng Phòng không-Không quân bị nạn trên vùng biển tỉnh Nghệ An ngày 14/6/2016.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Quốc phòng tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công và máy bay trong vụ việc nêu trên. Tổ chức giải quyết tốt hậu quả; điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc và tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, để kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, UBND các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn xảy ra./. 

PV