In bài viết

Thành cổ Quảng Trị: Mảnh đất của chiến tranh và khát vọng hòa bình

(Chinhphu.vn) - Đã nửa thế kỷ rồi, kể từ khi Thành cổ Quảng Trị trải qua 81 ngày đêm khốc liệt trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong hình dung của tôi, thị xã Quảng Trị hôm nay chính là một khúc ca hòa bình. Miền cỏ cháy đã tươi xanh sắc lá.

23/07/2022 14:09
Thành cổ Quảng Trị: Mảnh đất của chiến tranh và khát vọng hòa bình - Ảnh 1.

Mỗi dịp 27/7 đến, quân và dân cả nước lại đổ về Thành cổ Quảng Trị để dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ

Tôi trở lại Thành cổ trong dịp cả nước kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Có một cựu chiến binh từng tham chiến ở đây nói với tôi rằng, ở Thành cổ Quảng Trị rêu cũng đỏ như máu. Tôi vào bộ đội năm 1974, là lính Binh đoàn Trường Sơn và gắn bó với mảnh đất Quảng Trị suốt hai thập kỷ khó khăn. Mỗi lần đến Thành cổ Quảng Trị, lòng tôi xốn xang muôn nỗi khi nhìn vào sắc cỏ thẳm xanh. Trong màu cỏ ấy dường như đang neo bám nhiều linh hồn thanh xuân, trên miền xanh tưởng chừng vô tận thấp thoáng những hồi ức chiến trận trải dài theo dòng thời gian bất tử. Tôi thấy tất cả vẫn đang chuyển động bên dòng Thạch Hãn miệt mài đổ về biển Việt như sự lưu giữ bền vững của ký ức dân tộc.

Những bài thơ viết về Thành cổ Quảng Trị của tôi luôn mang tâm cảm hướng tới sự linh thiêng như thế. Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm; đó là hai câu mở đầu trong bài "Thắp cho Thành cổ". Đây nữa, trong bài "Những hồi chuông màu đỏ", tôi đã cắt rời những câu thơ nhức buốt ra: Máu Việt/ giọt/ giọt/ thoát lên từ đất/ thắp những hồi chuông đỏ rực đỉnh ngày/ và, vì thế/ cỏ xanh đau như cắt/ Anh và em cúi đầu trước cỏ/ vạn chiến binh không mộ lẫn vào xanh/ gió Quảng Trị chập chùng hồn trận/ bom và bom, nước và nước/ Cổ thành…Vượt lên nỗi đau khôn xiết là điều linh diệu này: Khi người lính lặng im tan vào đất/ Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông…

Chúng ta không bao giờ lãng quên 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị năm 1972 (từ 28 tháng 6 đến 16 tháng 9) mà mỗi ngày đêm được ví như một tờ lịch đẫm máu. Mỗi ngày đêm có từ 150 đến 170 lần máy bay phản lực và 70 đến 90 lần "pháo đài bay" B52 của Mỹ - ngụy đến oanh tạc. Mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông này được ví như một "túi bom đạn". Mỹ - ngụy đã trút đổ vào thị xã Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn các loại, tính ra mỗi chiến sĩ của ta phải chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó so sánh lượng thuốc nổ bom đạn Mỹ - ngụy trút đổ xuống Thành cổ Quảng Trị tương đương với 7 trái bom nguyên tử Hoa Kỳ từng ném xuống thành phố Hirosima ở Nhật Bản năm 1945. Sức chịu đựng của con người có lẽ đã lên đến đỉnh điểm. Một ví dụ điển hình về sự tàn khốc, nghiệt ngã của cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ phát động. Khốc liệt. Đổ nát. Hy sinh. Mất mát. Dũng cảm. Lạc quan. Tự hào. Đau xót…Chết chóc và tình yêu. Hy vọng và bi lụy. Có đủ mọi cung bậc chiến tranh trong 81 ngày đêm ấy, trên mảnh đất này. Đây là cứu vãn cuối cùng của Mỹ - ngụy đối với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Và, cuối cùng nó đã bị phá sản để sau đó một năm, vào tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tạo cơ hội thuận lợi cho chúng ta thực hiện đúng mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Thành cổ Quảng Trị thực sự là khúc hùng ca bi tráng trong cuộc chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc Việt Nam.

Đấy là hiện thực của nửa thế kỷ trước. Tròn 50 năm rồi, quê hương Quảng Trị được giải phóng. Sau đó ba năm, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước được hòa bình, non sông nối liền một dải. Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày. Hạnh phúc không còn là nụ cười chiến thắng trong tan hoang đổ nát nữa mà hạnh phúc bây giờ đã là bài ca xây dựng cuộc sống mới "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Nhưng dấu tích của quá khứ vẫn còn đây; cái hiện hiển, cái chìm khuất cùng bài học lịch sử đầm đìa máu và mồ hôi dân tộc.

Chúng ta nhìn lại quá khứ để tự tin hôm nay, vừa nâng niu gom góp dựng cơ đồ, vừa giữ gìn non sông đất nước. Và, lẽ nào không như thế, từ Thành cổ Quảng Trị đang ngày càng đổi mới ta thấy thấm thía hơn giá trị và khát vọng hòa bình của dân tộc mình. Khát vọng ấy như thông điệp được viết vào trời xanh mây trắng từ đài chứng tích nối hai cõi âm dương, từ bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn, từ tiếng chuông Thành cổ ngân rung ở giữa lòng đời. Tất cả, không phải chỉ để nhắc nhở quá khứ, để ngưỡng vọng tri ân mà cái chính, cao hơn, đẹp hơn, sáng hơn là cất cao tiếng gọi hòa bình.

Trải qua bao cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng hòa bình là giá trị lớn nhất của cuộc sống con người. Trong những khúc quanh và tinh cảnh éo le của dân tộc thì chiến tranh phải luôn là lựa chọn cuối cùng của đất nước, bằng mọi cách phải gìn giữ hòa bình. Dựng xây Tổ quốc giàu mạnh cũng là để bảo vệ đất nước và gìn giữ sự bình yên cho nhân dân. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo". Yêu chuộng hòa bình là một trong những nội dung cốt lõi của truyền thống dân tộc Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh to lớn và nền tảng văn hóa giữ nước của dân tộc ta. Sau chiến tranh, chúng ta muốn làm bạn với tất cả các nước, kể cả những kẻ từng là "đối thủ xứng đáng" của Việt Nam trong quá khứ, thực lòng hòa hợp, hòa giải dân tộc. Giản dị và trong trẻo như thế, hòa bình chính là yêu thương bao la dành cho tất thảy mọi người. Như tiếng rì rào của cánh đồng, như mùi lúa chín, tiếng ký ức trôi trên dòng sông…Một dân tộc hạnh phúc là một dân tộc được sống trong hòa bình. Con người không thể có được hạnh phúc thực sự khi phải sống trong xung đột và chiến tranh. Đó là điều dễ hiểu mà ai cũng có thể cảm nhận được trong thế giới nhiều biến động và phức tạp hiện nay.

Thành cổ Quảng Trị: Mảnh đất của chiến tranh và khát vọng hòa bình - Ảnh 3.

Đài tưởng niệm ở trung tâm Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Trong hình dung của tôi, thị xã Quảng Trị hôm nay chính là một khúc ca hòa bình. Ai từng có mặt ở đây những năm bom đạn tơi bời không khỏi ngỡ ngàng khi trở lại mảnh đất nắng gió dữ dội này. Miền cỏ cháy đã tươi xanh sắc lá. Những công trình mới dựng lên. Kết cấu hạ tầng đang được thị xã Quảng Trị rất quan tâm nhằm nâng tầm vóc đô thị lên. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, thị xã hết sức chú trọng kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực cho các công trình, dự án để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng thị xã Quảng Trị đạt đô thị loại 3 vào năm 2025. Chỉ tính trong năm qua, dù phải chịu những áp lực từ đại dịch COVID -19, thị xã Quảng Trị đã thu hút thành công 3 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp Hải Lệ; hoàn thành xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; 18 công trình dự án khởi công mới, nhiều công trình trọng điểm được phê duyệt chủ trương đầu tư như công trình cơ sở hạ tầng và giao thông đô thị (140 tỷ đồng); nhà văn hóa trung tâm thị xã (44,6 tỷ đồng); khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (112 tỷ đồng); công trình trung tâm hành chính giai đoạn 1 (20 tỷ đông)…

Bên sông Thạch Hãn, dòng chảy cuộc sống trôi đi chầm chậm, nhẹ nhàng như ước mơ của bao người lính, người dân đã dâng hiến, hy sinh cho Tổ quốc thân yêu. Đài chứng tích trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, bến thả hoa…gợi lên bao điều sâu lắng về quá khứ bi tráng, làm dịu lại vết thương chiến tranh, hướng tới xóa bỏ chia cách, hận thù vì một dân tộc luôn đề cao nhân nghĩa, hòa hợp. Vùng đất bom đạn xới đào, cỏ lau rậm rạp trở thành một thị xã tươi xinh, yên ả của miền Trung nắng gió. Nghĩ tới bao điều như thế, bỗng nhiên tôi muốn gọi Quảng Trị là 'Thị xã hòa bình'. Biết đâu trong tương lai không xa mấy đó sẽ là 'Thành phố hòa bình'. Vâng, không thể nói khác được, đó là khát vọng của những người đã ngã xuống và của những người đang sống.

Tôi lại ao ước tại đây, Thành cổ Quảng Trị hai năm một lần tổ chức Lễ hội khát vọng hòa bình mang tầm vóc toàn quốc với những hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhân văn cao cả đẹp đẽ hướng về sự bình yên của cuộc sống và sự hòa hợp, hòa giải dân tộc. Khát vọng quá khứ, cũng là khát vọng của hiện tại và tương lai. Khát vọng của dân tộc Việt Nam, khát vọng của nhân loại mang tên Hòa bình!

Nguyễn Hữu Quý