In bài viết

Thanh Hóa: Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

17/12/2010 23:59

Để đạt được những kết quả đó, với vai trò là cơ quan tham mưu, ngành Tư pháp tỉnh đã đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, Đề án phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai là việc xây dựng và quản lý đội ngũ Báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật làm cầu nối để chuyển tải chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 210/QĐ-BTP ngày 08/9/1999, Sở Tư pháp với vai trò là Thường trực HĐPH công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 2137/2005/QĐ-UBND ngày 09/8/2005 về việc ban hành quy chế Tuyên truyền viên pháp luật của xã phường, thị trấn, đồng thời khẩn trương tổ chức xây dựng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 364 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện; hơn 5.224 Tuyên truyền truyền pháp luật cấp xã. Trung bình mỗi huyện có từ 10 đến 20 Báo cáo viên; mỗi xã, phường, thị trấn có từ 7 -12 Tuyên truyền viên. Lực lượng Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp hầu hết đều có trình độ trung cấp trở lên (riêng Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện đều có trình độ Đại học và trên đại học) ở nhiều chuyên ngành khác nhau, hầu hết đều là cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có phẩm chất chính trị vững vàng, gương mẫu trong việc chấp hành Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật bước đầu đi vào nề nếp, đã trực tiếp tuyên truyền cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền, chuyển tải kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Thực tiễn hoạt động và những kết quả đạt được đó đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở trong những năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn có một số hạn chế, đó là: lực lượng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật chưa thực sự phát huy tính chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; k hả năng "Tuyên truyền miệng" của một số Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế chưa thuyết phục, việc tuyền truyền còn mang nặng tính một chiều, ít chú trọng nắm bắt thông tin phản hồi, chưa tạo ra sự hấp dẫn để thu hút người nghe; việc cập nhật văn bản pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền còn hạn chế. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật trong thời gian qua mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn chưa tương xứng với vị trí, vai trò để đáp ứng yêu cầu phổ biến pháp luật trong tình hình mới.

Sở dĩ lực lượng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật còn có những hạn chế đó là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản như sau: Thứ nhất, là hiện nay, vẫn còn có một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng đội ngũ báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng để đảm đương nhiệm vụ; Thứ hai, hầu hết Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật đều hoạt động kiêm nhiệm vì vậy chưa dành thời gian thích hợp cho công tác PBGDPL, bên cạnh đó, một bộ phận Tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật còn hạn chế; Thứ ba, cơ chế chính sách đãi ngộ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa phù hợp, chưa thực sự tạo được động lực để thu hút động viên những người có tâm huyết, năng lực phát huy hết khả năng của mình...

Trong những năm tới, trước những yêu cầu mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hơn lúc nào hết, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần phải được thực hiện ở tầm cao mới và toàn diện hơn. Yêu cầu đó cũng là đòi hỏi tất yếu phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật để đội ngũ này không chỉ chuyển tải hữu hiệu chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, mà còn nắm bắt, phản ánh kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Để nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, trong thời gian tiếp theo cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc cho cấp ủy, chính quyền về Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân; Chỉ thị sô 17, ngày 15/7/2007 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” để khắc phục hiện tượng thiếu quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật.

Thứ hai, cơ quan Tư pháp các cấp phải tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn lại đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 18/2010/TT -BTP ngày 05/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định về Báo cáo viên pháp luật và Kế hoạch thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” từ năm 2009 đến năm 2012 đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Quá trình triển khai nhiệm vụ này cần phải lưu ý xây dựng, kiện toàn được đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở có lý tưởng cách mạng, gương mẫu trong công tác và cuộc sống; chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước, có ý thức tổ chức kỷ luật; được quần chúng tin cậy; có trình độ, nhiệt tình, thông hiểu tiếng dân tộc đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật cho người dân ở cơ sở, người dân nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL đảm bảo xây dựng được đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt huyết với công việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và kịp thời khen thưởng cơ quan, tổ chức, Báo cáo viên, Tuyên truyền viên có thành tích trong công tác tuyên truyền pháp luật.

Thứ tư, quan tâm, đầu tư đúng mức về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, máy ghi âm, tivi, radio... cung cấp đủ, đề cương, tài liệu pháp luật cho Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật. Tạo điều kiện để Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, tiếp cận kịp thời các quy định mới của pháp luật để chuyển tải kịp thời đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế về Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, có cơ chế khuyến khích, thu hút những người có trình độ pháp lý tham gia công tác tuyên truyền pháp luật. Theo đó, cơ quan Tư pháp cần khẩn trương nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản pháp luật triển khai thực hiện Thông tư số 18/2010/TT -BTP ngày 05/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định về Báo cáo viên pháp luật để các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh có cơ sở để xây dựng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở có chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Xuân Hạnh - Sở Tư pháp Thanh Hóa