In bài viết

Thành kính tri ân công đức các tiên hiền

(Chinhphu.vn) - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017, tại các địa phương đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi tri ân công đức của các Vua Hùng.

06/04/2017 16:55
Các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng lãnh đạo TPHCM dâng hương hưởng nhớ các Vua Hùng/ Ảnh: VOV
Sáng 6/4 (ngày 10/3 Âm lịch), TPHCM đã long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng (Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc).

Tham dự buổi lễ có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, cùng lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành và hàng nghìn người dân.

Sau phần khai mạc, các đồng chí lãnh đạo và người dân tham gia các nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương với các phần: Diễu hành đón rước lễ và dâng lễ vật gồm bánh chưng, bánh dày và hoa quả, trái cây đặc sản Nam Bộ. Trong không khí trang nghiêm và thành kính, mọi người đã dâng hương, hoa tưởng nhớ và tri ân công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng.

Nhân dịp này, tại các khu vui chơi giải trí, các trường học, địa danh mang tên Hùng Vương… đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm, dâng hương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về Quốc tổ, góp phần ôn lại truyền thống yêu nước, nhắc nhở mọi người hướng về cội nguồn của dân tộc.

Cũng trong sáng nay, 6/4, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã diễn ra trang trọng, trong không khí thành kính, linh thiêng tại đền Hồng Sơn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.  

Tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để nhân dân tỉnh Nghệ An khẳng định vị trí và ý nghĩa lịch sử to lớn của triều đại Hùng Vương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và trách nhiệm của mỗi người dân với các Vua Hùng và các bậc tiền bối đã có công dựng nước và trách nhiệm giữ nước của mỗi người dân đất Việt hôm nay.

Giỗ Tổ Hùng Vương là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân TP. Vinh nói riêng hướng về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc và cùng cầu nguyện cho quốc thái, dân an, để mọi người, mọi nhà được ấm no, hạnh phúc.

Tại Bảo tàng Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đã long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 với sự tham dự của đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với các nghi lễ truyền thống bao gồm: Dâng hương, dâng hoa và lễ vật lên các Vua Hùng, nghi thức cúng tế trong đền thờ các Vua Hùng tại Bảo tàng Vĩnh Long… nhằm tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc.

Bên cạnh đó, phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ hội bánh dân gian, biểu diễn võ cổ truyền, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đập heo đất... để người dân hiểu rõ hơn về lịch sử, ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ.

Sáng 6/4, đông đảo người dân tại tỉnh Gia Lai đã đến Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku) để thành kính dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng.

Khu tưởng niệm các Vua Hùng được tỉnh Gia Lai xây dựng tại Công viên Đồng Xanh thuộc xã An Phú, TP. Pleiku từ năm 1996. Không chỉ ngày Giỗ Tổ, mà cả những ngày lễ, Tết thường niên, khách đến tham quan, du lịch đều dâng hương tại đền thờ Vua Hùng.

Đền thờ Hùng Vương được đặt ở một vị trí trang trọng nhất trong tổng thể của Công viên Đồng Xanh với mái cách điệu nhà Rông Tây Nguyên cao 18 m, bên trong đặt tượng Quốc tổ Hùng Vương bằng gỗ sơn son thếp vàng cao 6 m, nặng hơn 2 tấn. Phía trước sảnh đền là quần thể 18 tượng vị Vua Hùng cao 4 m tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương uy nghi, hoành tráng.

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương mang ý nghĩa văn hóa nhân văn và tâm linh để nhân dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai hướng về cội nguồn, tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng và các vị tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.

Ảnh: VOV

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp), tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ dâng hương Quốc tổ Hùng Vương.

Buổi lễ được tổ chức long trọng, trang nghiêm với lễ vật của cháu con thành kính dâng lên Quốc tổ, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước và kiến tạo đất nước trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/4, với nhiều hoạt động vui tươi, hướng về cội nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ dâng hương, rước và dâng lễ vật của các địa phương theo nghi thức truyền thống; biểu diễn múa lân, tổ chức các giải thể thao, trò chơi dân gian, thi gói và nấu bánh chưng, thi cắm hoa, thi tiếng hát học sinh, ẩm thực đặc trưng của các địa phương…

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở ấp Đông Bình xây dựng cách đây 60 năm, với tâm nguyện của nhân dân làm nơi tưởng nhớ, giáo dục con cháu hiểu và luôn nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Đây là ngôi Đền Hùng duy nhất ở ĐBSCL được công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa.

Điểm nhấn hết sức ý nghĩa trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là huyện Tân Hiệp tổ chức lễ an vị đất và nước cùng bài vị Tổ tiên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng được thỉnh về từ Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.

Ảnh: TTXVN

Sáng 6/4, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng hàng ngàn người dân và du khách đã có mặt tại đền thờ Âu Lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng thuộc Khu du lịch thác Prenn (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) để dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Nghi lễ Giỗ Tổ diễn ra trong không gian đền thờ Âu Lạc, nơi được mô phỏng khá toàn diện kiến trúc của Khu di tích Hùng Vương tại đất Tổ Phú Thọ. Trong đó, các phần lễ tế Quốc tổ, rước kiệu, lễ vật và dâng hương được tổ chức trang trọng theo đúng nghi lễ truyền thống để tỏ lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước… qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ hôm nay.

Sau phần nghi thức cúng tế, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng còn tổ chức nhiều hoạt động như: Hoạt cảnh truyền thuyết thời Hùng Vương, các trò chơi dân gian, hội thi văn hoá ẩm thực, văn nghệ dân gian…  

Tại đền Hùng Vương, ở phường Tân Lập, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân đến tham dự lễ Giỗ Tổ. Đền Hùng Vương tại Nha Trang là đền thờ Vua Hùng duy nhất tại khu vực Nam Trung Bộ, được nhân dân phụng lập từ hơn 50 năm trước để tri ân Quốc tổ.

Lễ Giỗ Tổ được mở màn bằng tiết mục múa lân, múa rồng, sau đó, các lễ vật như bánh chưng, bánh dày, trầu cau được dâng lên Quốc tổ. Đại diện hơn 1,2 triệu con cháu của 32 dân tộc anh em đang sinh sống tại tỉnh Khánh Hòa, cùng lãnh đạo tỉnh thành kính dâng hương tưởng nhớ đức Quốc tổ.

Chi Mai (tổng hợp)