
Thực tập phương án PCCC trên địa bàn thành phố Kon Tum
Việc thành lập đội dân phòng và phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở là thật sự cần thiết và vô cùng quan trọng trong công tác phòng ngừa, xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra ở khu dân cư. Nó kịp thời ngăn chặn những hậu quả xấu nhất, hạn chế những thiệt hại gười và tài sản khi xảy ra cháy, nổ trong khi chờ đợi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt. Luật quy định là thế, nhưng hầu như tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh ta vẫn xem nhẹ công tác này, coi như một chuyện “ngoài ý muốn”, mà là “việc” của cơ quan chữa cháy chuyên nghiệp.
Qua tìm hiểu tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (Công an tỉnh) thì được biết: Hiện tại Luật quy định là như thế, nhưng hầu hết chưa có cấp xã, phường nào thực hiện, không hiểu vì do trình độ nhận thức về pháp luật hay là sự coi thường tác hại nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào của những người đứng đầu chính quyền cơ sở?
Khoản 2 Điều 44 Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định: “ Cấp ra quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy địa phương.” Thế nhưng, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC- Công an tỉnh thì đến nay, chưa nhận được bất cứ một cáo cáo nào của các xã, phường trên địa bàn tỉnh về việc thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy.
Trước thực trạng đó, Phòng Cảnh sát PCCC cũng đã tiến hành kiểm tra một số phường trên địa bàn thành phố và đã tiến hành lập biên bản, kiến nghị. Qua kiểm tra các nội dung về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại trụ sở làm việc của cơ quan xã, phường; trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong công tác PCCC trên địa bàn, thì phát hiện hầu như mọi công tác này chưa có xã, phường nào triển khai cả (chưa có quyết định thành lập và tổ chức tập huấn), có chăng là khi ở tỉnh có hội thao về PCCC, một số cơ sở có gửi “quân” tham gia diễn tập mà thôi.
Phòng Cảnh sát PCCC cũng đã kiến nghị vai trò trách nhiệm của chính quyền phải thành lập lực lượng dân phòng để làm công tác PCCC trên địa bàn. Chính quyền địa phương phải có kế hoạch tổ chức tập huấn cho lực lượng này; trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng này hoạt động như bình chữa cháy xách tay…đồng thời bố trí kinh phí cho đội hoạt động. Xây dựng phương án PCCC trên địa bàn được phê duyệt để tổ chức diễn tập. Tổ chức việc tự kiểm tra chấn chỉnh công tác PCCC ở khu dân cư có nhiều nguy cơ cháy nổ. Mặc dù dã được kiến nghị, nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa thực hiện đúng theo Luật Phòng cháy, chữa cháy.
Chúng tôi về phường Quyết Thắng, một trong những địa bàn có nhiều “điểm nóng” dễ xảy ra cháy nổ, để tìm hiểu vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Quyền Chủ tịch UBND phường có vẻ ngạc nhiên khi tôi đặt vấn đề: “Chưa nghe nói bao giờ, cái này hơi lạ đó nghe, để tôi kiểm tra lại xem, vì tôi mới về đây nên cũng không rõ”. Ông Toàn nói. Nhưng khi hỏi những người tiền nhiệm trước thì có người nói có thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy của phường, có người nói là không nhớ vì đã lâu lắm rồi?
Việc thực hiện Luật phòng cháy, chữa cháy và thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy chuyên nghệp ở cơ sở là cần thiết, nó góp phần cũng với lực lượng phòng cháy chuyên nghiệp của tỉnh ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy, nổ xảy ra ở khu dân cư, giảm được thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa, để pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được thực thi một cách nghiêm minh.
Bài và ảnh: Thùy Dương