In bài viết

Thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần phải có số vốn pháp định tối thiểu 1000 tỷ đồng

(Website Chính phủ) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy vừa ký Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ban hành quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần.

13/06/2007 16:48

Ảnh minh họa

Trên thực tế 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN chính là cơ sở để xem xét cấp phép cho hàng chục hồ sơ đang có nhu cầu xin thành lập NHTMCP.

Điều kiện cấp phép thành lập ngân hàng được quy định chặt chẽ

Tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Quyết định quy định, điều kiện cấp giấy phép thành lập NHTMCP phải có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, thì các tổ chức, cá nhân muốn thành lập NHTMCP sẽ phải có vốn pháp định 1.000 tỷ đồng. Nếu thành lập sau ngày 31-12-2008, mức vốn bắt buộc sẽ là 3.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp thành lập Ngân hàng phải là nguồn hợp pháp; không được sử dụng tiền vay dưới bất kỳ hình thức nào để góp vốn thành lập ngân hàng.

Để thành lập NHTMCP phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia góp vốn, trong đó có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập là tổ chức có tư cách pháp nhân có thời gian hoạt động tối thiểu là 05 năm. Nếu cổ đông sáng lập là doanh nghiệp thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề xin thành lập ngân hàng; nếu là ngân hàng thương mại phải bảo đảm có tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Đối với cổ đông là tổ chức, phải có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm.

Quyết định cũng nêu rõ: Cá nhân hoặc tổ chức và người liên quan của cá nhân và tổ chức đó không được tham gia góp vốn thành lập quá 02 ngân hàng, chỉ góp vốn thành lập tại 1 ngân hàng nếu cá nhân hoặc cá nhân đó cùng người có liên quan sở hữu từ 5% (10% đối với tổ chức) vốn điều lệ trở lên của một ngân hàng.

Mức sở hữu cổ phần được phân định rõ ràng

Một cổ đông là cá nhân được sở hữu tối đa 10% (tổ chức là 20%) vốn điều lệ của một ngân hàng. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng, trong đó các cổ đông sáng lập là tổ chức phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập.

Trong thời gian 05 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng số cổ phần phổ thông trong tổng số cổ phần góp vốn khi thành lập ngân hàng. Nếu cổ đông không phải sáng lập thì 03 năm kể từ ngày cấp giấy phép, chỉ được chuyển nhượng số cổ phần góp vốn của mình khi đảm bảo một số quy định nhất định.

Đây chính là điểm nhấn hợp với thực tế hiện nay, vì có những ngân hàng đang trong thời gian xin cấp phép hoạt động đã rao bán cổ phiếu, gây hoang mang cũng như mất cân bằng trên thị trường tài chính-chứng khoán.

Theo cách nhìn nhận thực tế, vai trò của ngân hàng thương mại là rất lớn, các ngân hàng thương mại có thể đóng vai trò là nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là đối với trái phiếu Chính phủ, vốn để đầu tư trung và dài hạn. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ tạo ra một loạt các dịch vụ tài chính tiện ích cho người dân cũng như doanh nghiệp, việc cho phép thành lập NHTMCP cũng chính là một bước gắn kết thị trường tài chính-ngân hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với thế giới, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Mai Hương

(Nguồn: Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN)