In bài viết

Thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 5/9/2024 thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các luật có liên quan (Tổ công tác).

06/09/2024 19:22
Thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các luật có liên quan.

Theo Quyết định trên, Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Phó Tổ trưởng Tổ công tác gồm: Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng.

Thành viên Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác

Tổ công tác có trách nhiệm rà soát các vướng mắc về pháp lý phát sinh trong triển khai các dự án điện, chỉ đạo, phối hợp với Ban soạn thảo để tổng hợp, hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), bảo đảm chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8 tháng 10 năm 2024 theo quy trình một kỳ họp; đề xuất Bộ Công Thương có văn bản, tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung vào dự án một Luật sửa nhiều Luật đối với các nội dung liên quan trong triển khai các dự án điện; bảo đảm các dự án luật có chất lượng tốt nhất, khả thi, sau khi các luật được ban hành tạo thuận lợi triển khai các dự án điện theo Quy hoạch, Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổ công tác trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn để chỉ đạo theo thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền Phó Thủ tướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác được huy động lực lượng tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao để nghiên cứu, soạn thảo, sửa đổi các nội dung của Luật Điện lực bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của ngành trong tương lai.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực

Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Tổ trưởng và Tổ phó Tổ công tác sử dụng con dấu của bộ, cơ quan mình trong công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Tổ công tác, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Tổ công tác, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.

Phương Nhi