Xây đường vành đai, tận dụng đường sông
Có đến gần 10 công trình giao thông đang được TP.HCM đầu tư xây dựng có vai trò mở thông cửa ngõ phía Đông và đến các tỉnh miền Đông Nam bộ. Dự án đầu tiên là mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài khoảng 16km với điểm đầu kết nối với cầu Sài Gòn và điểm cuối kết nối với cầu Đồng Nai. Toàn tuyến xa lộ Hà Nội sẽ được mở rộng lên 113 - 153m tùy đoạn và tổng vốn xây dựng của công trình gần 3.000 tỷ đồng.
Năm 2011, TP.HCM tiến hành triển khai dự án đường vành đai 3, 4 với kinh phí hơn 154 nghìn tỷ đồng. Đây là 2 tuyến giao thông quan trọng nhằm giảm áp lực giao thông và kéo giãn mật độ dân số ở nội ô TP.HCM. Đường vành đai 3 có chiều dài 89,3km qua 4 tỉnh thành TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An được thiết kế là đường cao tốc có quy mô 6-8 làn xe chạy với vận tốc 80-100 km/h. Đường vành đai 4 có chiều dài 196,5km qua 5 tỉnh thành: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có quy mô 6-8 làn xe. Tổng vốn đầu tư hai dự án đường vành đai này hơn 154 nghìn tỷ đồng, trong đó đường vành đai 3 là 55.805 tỷ đồng và đường vành đai 4 là 98.637 tỷ đồng mà kinh phí xây dựng sẽ huy động nguồn vốn ODA (vay vốn nước ngoài) và các nguồn vốn khác theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác), hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao)...
Theo Khu quản lý Đường sông, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 87 tuyến giao thông thủy với độ dài khoảng 574km có thể lưu thông tàu tải trọng lớn cũng như các tàu du lịch, taxi thủy. Theo các nhà khoa học, giao thông đường thủy là giao thông tiết kiệm năng lượng hơn, ít phát thải khói hơn so với giao thông đường bộ, nhất là khi các phương tiện giao thông thủy lợi dụng được lực chảy xuôi của nước để hoạt động. Hơn nữa, TP.HCM có lợi thế đường thủy trong giao thông cũng như trong phát triển du lịch, phù hợp với thành phố sông nước bao quanh và có mặt biển phía Đông đang ngày càng phát triển đô thị cảng.
Điểm nhấn trong nỗ lực xúc tiến giao thông thủy là việc xây dựng cảng sông Phú Định nằm ở ngay ngã ba của rạch Nước Lên với sông Chợ Đệm (Q.8). Đây là cảng sông hiện đại và lớn nhất thành phố với 12 cầu cảng, trong đó có 3 cầu cảng bốc xếp được container cùng hàng ngàn mét vuông kho bãi đạt tiêu chuẩn. Công tác xây dựng cảng đang đi vào giai đoạn kết thúc, theo như ông Lê Văn Pha - Phó Tổng giám đốc TCty Cơ khí giao thông Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư công trình, Tết Tân Mão 2011, cảng sông Phú Định đã có thể tiếp nhận tàu chở hàng hóa phục vụ tết cập bến.
Bên cạnh cảng sông Phú Định, Sở GTVT đang triển khai tuyến buýt sông từ trung tâm đến bán đảo Thanh Đa, về Nhà Bè, Cần Giờ… Giao thông thủy liên tỉnh kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ cũng đang được đẩy mạnh bằng quyết định chỉnh trị, nạo vét tuyến kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) của Bộ GTVT.
Song song với việc phát triển giao thông thủy, TP.HCM cũng đang gấp rút di dời người sống trên kênh rạch nhằm cải thiện cuộc sống cho họ và giao thông thủy sẽ thuận tiện hơn. Chương trình di dời 15 nghìn hộ dân sống trên và ven kênh rạch ở TP.HCM từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân, cũng như tái bố trí dân cư có nơi ở mới tốt hơn. Chương trình Chỉnh trang đô thị tập trung chủ yếu ở các tuyến kênh rạch như: lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và các chi lưu (4.074 hộ); kênh Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật - rạch Nước Lên (giai đoạn 1), các chi lưu Nhiêu Lộc - Thị Nghè (4.800 hộ); kênh Đôi - kênh Tẻ (4.676 hộ)… Để phát triển quỹ nhà tái định cư (TĐC) phục vụ chương trình di dời 15.000 căn hộ ven và trên kênh rạch, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị một số giải pháp để có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc. Như là cho phép các nhà đầu tư được hưởng những chính sách nhà thu nhập thấp như tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần; thuế GTGT được áp mức 0%, cho DN chậm nộp tiền sử dụng đất đối với phần khai thác kinh doanh...
Phát triển không gian ngầm và không gian công cộng
Theo ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Sở QHKT thì trong thời gian tới TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho TP. Thực ra, không phải đến bây giờ TP.HCM mới khai thác không gian ngầm dưới lòng đất nhưng đây là lần đầu tiên TP tiến hành nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ và khoa học việc sử dụng không gian này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hưng cho biết thêm: “Là một vùng đất có cấu trúc địa chất mới, nhiều khu vực nền đất yếu nên UBND TP.HCM cũng đã giao cho Sở KH&CN chủ trì cùng các cơ quan và các chuyên gia nghiên cứu lập bản đồ địa chất, thủy văn công trình cho TP và Sở QHKT sẽ tham khảo số liệu, thông tin của hệ thống bản đồ địa chất, thủy văn một cách phù hợp, hiệu quả. Không gian ngầm ở TP.HCM được khai thác và phát triển cho đủ loại hình dịch vụ đô thị phục vụ hoạt động của con người như giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian công cộng, thương mại, vui chơi giải trí… Kết hợp một cách đồng bộ là các tính toán cho việc phát triển hệ thống giao thông metro đi ngầm, đường hầm chui, bãi đậu xe ngầm… thành một hệ thống liên hoàn, thống nhất, hiệu quả. Cùng với nó, các tầng không gian ngầm bên dưới các cao ốc cũng sẽ phải được nghiên cứu, có phương án liên thông với nhau và kết nối được với các công trình đầu mối giao thông, công trình công cộng để tạo thành một hệ thống giao thông mới nhằm bổ sung, tăng cường thêm năng lực giao thông trên mặt đất”.
Song song với phát triển không gian ngầm, Hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng tổ chức cuộc thi ý tưởng kiến trúc cho các không gian công cộng ở thành phố. Ông Nguyễn Trường Lưu - Phó chủ tịch thường trực Hội cho biết: “TP.HCM không có nhiều không gian công cộng dành cho mọi người. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những không gian công cộng lớn, có diện tích từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông hoặc hơn nữa. Trong rất nhiều con phố, bên các trục đường hoặc dưới dạ cầu vẫn còn những không gian công cộng nho nhỏ, chỉ khoảng vài chục mét vuông hay thậm chí vài mét vuông nhưng nếu biết chăm chút, chúng sẽ trở thành những điểm vui chơi hoặc những tiểu cảnh, góp phần làm đẹp cho thành phố”. TP.HCM đã tiến hành trồng cây xanh tại một số dạ cầu, dải phân cách của một số tuyến đường, các vỉa hè ở quận 1, 3, 5… Việc làm tuy nhỏ nhưng gần như ngay lập tức cải thiện được bộ mặt của các không gian này. Trên nhiều con đường có vỉa hè được trồng cây xanh, người dân đã dạo bước nhiều hơn, tình trạng vứt rác giảm hẳn. Sở GTVT TP.HCM dự kiến từ nay đến cuối năm 2011 sẽ trồng thêm khoảng hơn 30 nghìn m2 cây xanh trên vỉa hè hoặc dưới dạ cầu…
Tiến ra biển Đông
Đường Rừng Sác, cửa ngõ hướng ra biển Đông của TP.HCM là tuyến đường quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện Cần Giờ và TP.HCM. Đây là tuyến đường chạy xuyên huyện Cần Giờ mặt đường rộng 30 - 120m, dài khoảng 31km, có 6 làn xe, với tổng vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của TP.HCM.
TP.HCM và Chính phủ Hà Lan đang triển khai một chiến lược lâu dài, bền vững để TP.HCM phát triển hàng loạt các đô thị cảng, gắn với kinh tế biển mang tầm quốc tế. Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tiến ra phía biển Đông - phía vùng đất thấp với nền đất yếu nhất TP. Phát triển đô thị hướng ra biển Đông là 1 trong 4 hướng phát triển chính của TP.HCM đã được xác định trong quy hoạch xây dựng chung TP.HCM đến 2025. Theo đó, tại khu vực Hiệp Phước (Nhà Bè) sẽ hình thành đô thị cảng Hiệp Phước. Hệ thống cảng biển nước sâu ở Hiệp Phước dự kiến sẽ thay thế hệ thống cảng biển hiện hữu nằm trên bờ sông Sài Gòn, trở thành trung tâm hàng hải chính của TP và khu vực. Quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước gần 4 nghìn hecta với dân số hơn 10 nghìn người. TP.HCM định hướng đây là khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn, đầu mối trung chuyển không chỉ phục vụ TP mà còn cho vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Đây còn là khu công nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là công nghiệp gắn với cảng và vận tải đường thủy.
Theo Quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2025, hai hướng phát triển chính của TP là hành lang phía Nam và Đông - Bắc. Hành lang phía Đông - Bắc theo hướng QL51 đi Vũng Tàu có cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng biển lớn trong chiến lược phát triển kinh tế hướng ra biển của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Ở hành lang phía Nam TP.HCM, việc đưa vào sử dụng cụm cảng, khu đô thị, khu công nghiệp Hiệp Phước, tuyến đường Rừng Sác “xuyên” ra biển Đông càng thể hiện quyết tâm phát triển TP hướng ra biển. Theo thống kê, khoảng 80% lượng container đến Việt Nam đều cập hệ thống thương cảng của TP.HCM. Đồng thời, lượng hàng nông sản từ các tỉnh ĐBSCL xuất khẩu ra nước ngoài cũng từ các cảng biển trong TP như cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Cảng... Vì thế, hiệu quả kinh tế mà cảng biển mang lại trong hiện tại cũng như tương lai là rất lớn đối với TP.HCM.
Theo Báo Xây dựng điện tử