Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2024 là năm đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của ngành NN&PTNT Hà Nội (30/11/1954 -30/11/2024).
Trải qua 70 năm, cùng với sự lớn mạnh của nền nông nghiệp cả nước, ngành nông nghiệp Thủ đô ngày càng phát triển, không chỉ đáp ứng nhiệm vụ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn ghi dấu qua từng thời kỳ đổi mới của đất nước. Sự phát triển của nông nghiệp Hà Nội gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố qua từng thời kỳ.
Đến nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đã có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực và gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Từ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, thì năm 2023 đã đạt trên 59.000 tỷ đồng - hơn 2 tỷ đô la (cao hơn 8 lần so với năm 2008, đứng top đầu so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng). Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%, vượt so chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao.
Bên cạnh đó, Thành phố đã hình thành gần 400 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Sản phẩm nông sản và làng nghề Hà Nội ngày càng khẳng định thương hiệu, gia tăng về giá trị, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Hà Nội vượt ngưỡng 1 tỷ đô (đạt 1 tỷ 075 triệu đô, tăng 123%). Giá trị sản xuất làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các làng nghề đạt khoảng 200 triệu USD/năm.
Các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và nông sản chế biến của Thành phố đã xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện trên địa bàn Thành phố có trên 250 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Đáng chú ý, chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tạo nên nhiều giá trị và có sức lan toả mạnh mẽ, nhiều địa phương đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, được đánh giá là điểm sáng của cả nước và là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thành phố trong năm 2023.
Đến nay 18/18 huyện, thị xã đã được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Thành phố đã có 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu Chương trình số 04 đề ra là: Đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hà Nội đang phấn đấu đạt mục tiêu Thành phố hoàn thành nông thôn mới, với tiêu chí phải hoàn thành tối thiểu 20% (tương đương 4 huyện) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện huyện Thanh Trì đã trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, còn 3 huyện là Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức cũng đã được UBND Thành phố trình Bộ NN&PTNT và có 3 huyện là Đan Phượng, Thường Tín và Thanh Oai đã được Đoàn thẩm tra nông thôn mới Thành phố tiến hành thẩm tra đánh giá đủ điều kiện.
Phát triển nông nghiệp vượt bậc đã góp phần không nhỏ vào nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 tăng hơn 7 lần so với năm 2008, nhiều địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao, điển hình như: Huyện Thạch Thất đạt 100 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 78 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng 78 triệu đồng/người/năm...
Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,03%, trong đó có 7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo. Giữa khu vực ngoại thành với trung tâm Thành phố ngày càng thu hẹp khoảng cách về vật chất và tinh thần thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hoá, cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư... Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy.
Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, khẳng định vai trò "chủ thể" của người nông dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đồng thời qua đó khu vực nông thôn dần trở thành "vùng quê đáng sống".
Với những kết quả đã đạt được, theo ông Nguyễn Xuân Đại, hiện nay, ngành NN& PTNT Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Ngành sẽ vận dụng tối đa cơ chế vượt trội theo Luật Thủ đô năm 2024 và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết về khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Theo đó, sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm.
Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn trở thành "nơi đáng sống" sáng, xanh, sạch, đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại. Đồng thời, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và vai trò chủ thể của người dân nông thôn.
Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới"; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động để nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững và phát huy các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như rút ngắn tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng thực hiện mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các mô hình khuyến nông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các mô hình kết hợp nông nghiệp du lịch; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; sản xuất theo nhu cầu thị trường;….
Bênh cạnh đó, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp sinh thái trên cơ sở thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức...
Thiện Tâm