In bài viết

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(Chinhphu.vn) - Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

13/10/2023 16:46
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 - Ảnh: VGP/ĐH

Tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Tại phiên họp 26 diễn ra vào ngày 14/9 vừa qua, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo giám sát về 3 chương trình. Qua báo cáo thẩm tra sơ bộ, về quan điểm chung, Đoàn giám sát và các ủy ban đều thống nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay của 3 chương trình để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong triển khai 3 chương trình.

Đặt ra yêu cầu cao nhất để đẩy nhanh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Tại các nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 3 chương trình.

Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện, ban quản lý cấp xã, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…

Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. 

Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. 

Bên cạnh đó, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 ở cả Trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm; công tác xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án;... 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, cần tiếp tục phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; hoạt động của ban chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình tại các cấp...

Đặc biệt, cần có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Cần thiết ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn Giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vì mục tiêu đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước của các chương trình này còn tương đối thấp  và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống người dân là đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đoàn giám sát đề nghị UBTVQH xem xét, đồng ý chủ trương đối với nội dung đề xuất của Chính phủ, cho phép quy định các nội dung về giải pháp, cơ chế đặc thù trong nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội mà không ban hành nghị quyết riêng.

Đánh giá cao công tác chỉ đạo 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao công tác chỉ đạo 3 chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ đã sớm phát hiện để đề xuất tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đoàn Giám sát của Quốc hội đã thực hiện trách nhiệm được giao, bước dầu thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ và có ý kiến chính thức trình UBTVQH quyết định. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về cơ bản UBTVQH đồng tình với 6 chính sách có tính đặc thù Chính phủ đề nghị, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này, gửi sớm các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Nguyễn Hoàng