Nhiều địa phương tích cực phát triển nhà ở xã hội
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", tỉnh Bắc Ninh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội; bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Đến nay, toàn tỉnh thực hiện được 51 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất khoảng 157 ha, các dự án khi hoàn thành đáp ứng khoảng 3,9 triệu m2 sàn với hơn 46.000 căn hộ cho khoảng 180.000 người. Trong đó, có 21/29 dự án nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp đã hoàn thành và hoàn thành một phần; 7/22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã hoàn thành, hoàn thành một phần. Các dự án còn lại đang bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thực hiện đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, tỉnh rà soát, quy hoạch khoảng 95 ha đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội được giao giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện toàn tỉnh có 6 dự án, dự kiến vốn vay khoảng 3.380 tỷ đồng. Hiện nay, các chủ đầu tư đủ điều kiện đang tích cực làm việc với ngân hàng để tiếp cận và giải ngân gói vay theo quy định.
Theo kế hoạch, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển hơn 30.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 và hơn 41.000 căn hộ trong giai đoạn 2026 - 2030.
Có được kết quả này, theo ông Đào Quang Khải, là do Tỉnh ủy, HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh đã sát sao, chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, tỉnh đã dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; áp dụng miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; các chủ đầu tư còn được UBND tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Trung ương ban hành, HĐND tỉnh Bắc Ninh còn ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân. Nghị quyết này đã đưa ra nhiều giải pháp như hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư và các chi phí bồi thường khác.
Với tiến độ xây dựng nhà ở xã hội hiện đã thực hiện được 51 dự án với tổng diện tích đất 157 ha, đáp ứng cho khoảng 180.000 người với hơn 46.000 căn hộ, tại cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là con số đáng hoan nghênh và Bắc Ninh chính là kiểu mẫu để các địa phương học tập về xây dựng và phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với tỉnh Bắc Ninh, hiện các địa phương khác cũng đang đẩy nhanh công tác này.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương dự kiến xây dựng đến năm 2030 gần 173.000 căn nhà ở xã hội, phục vụ cho 678.000. Đà Nẵng đang triển khai 6 dự án, quy mô 3.800 căn và lập thủ tục kêu gọi đầu tư 4 dự án mà khi hoàn thành hứa hẹn cung cấp được hơn 3.400 căn hộ. Hải Phòng phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 1,5 triệu m2 nhà ở xã hội, tương ứng 20.700 căn hộ, trong đó nhà ở cho thuê phấn đấu đạt 300.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt hơn 8.000 m2 sàn, tương ứng 210 căn hộ.
Riêng đối với Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn có 4 dự án hoàn thành toàn bộ; 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.000 m2 sàn nhà ở xã hội; ngoài ra, còn 40 dự án đang triển khai, bao gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với 869.000 m2 sàn; 22 dự án hoàn thành giai đoạn sau 2025 với gần 1,7 triệu m2 sàn…
Theo Bộ Xây dựng, tính đến quý II/2023, cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng, với quy mô hơn 288.000 căn. Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang tiếp tục triển khai xây dựng 201 dự án với 162.000 căn; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai có 6 dự án với gần 1.900 căn hộ. Ngoài ra, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục triển khai 93 dự án, quy mô xây dựng trên 127.000 căn hộ.
Đáng chú ý tháng 7/2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp khởi công là 10 dự án (19.800 căn), bao gồm: 7 dự án nhà ở xã hội (8.800 căn); 3 dự án nhà ở cho công nhân (11.000 căn hộ).
Hiện các địa phương cùng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang rất tích cực triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; theo đó, 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng.
Giảm bớt quy trình, tạo điều kiện về vốn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà
Bên cạnh việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để phát triển, xây dựng nhà ở xã hội, theo phản ánh của một số địa phương, vẫn còn vướng mắc khi thực hiện. Đó là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội và triển khai các gói hỗ trợ (như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng) vẫn thực hiện thông qua các thủ tục hành chính thông thường, không thực hiện được các thủ tục liên thông (đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng) dẫn đến việc tra soát hồ sơ mất nhiều thời gian và không bảo đảm tính chính xác.
Trong báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh có nêu, với các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn (hình thành đơn vị ở với quy mô hơn 4.000 người) thì chi phí đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là rất lớn. Chi phí này lại được phân bổ vào giá bán/giá cho thuê/cho thuê mua, dẫn đến giá thành cao, không phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của các đối tượng xã hội. Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sau đầu tư được bàn giao cho cư dân, do Ban Quản trị thực hiện không bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần quy định cụ thể về phương pháp xác định giá bán/cho thuê/cho thuê mua đối với trường hợp các khu nhà ở xã hội có quy mô lớn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ (có thể quy định việc phân bổ 100% chi phí đầu tư ngoài khu đất xây dựng nhà ở xã hội cho phần kinh doanh thương mại).
Cũng liên quan đến các thủ tục hành chính, các quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội còn nhiều phức tạp, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng hiện nay quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội không khác gì nhiều đối với quy trình, quy định nhà ở thương mại.
Vì thế Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, đối với nhà ở xã hội cần có quy định, quy trình riêng, rút gọn trình tự lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu vì hiện nay quy trình đấu thầu rất tốn thời gian.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng riêng đối với nhà ở xã hội cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất… Ông Khôi phân tích, hiện tại nếu theo quy định về quy trình đấu thầu các dự án nhà ở xã hội vẫn giống như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó. Vì thế, ông Khôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng. Về tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt, ông Khôi cũng đề nghị tận dụng ngay các dữ liệu về dân cư mà ngành công an đang quản lý để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà.
Về khả năng vay của người dân mua nhà, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay lãi suất còn quá cao so với người có thu nhập thấp. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ, nếu một người đi vay mua 1 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, được ngân hàng cho vay 80% (khoảng 800 triệu đồng), tính bình quân lãi suất như hiện nay là 8%/năm và cho vay trong 15 năm thì mỗi tháng họ phải trả cho ngân hàng cả gốc và lãi là 7,5 triệu đồng. Như vậy để ngân hàng cho vay, phía ngân hàng phải bảo đảm rằng đối tượng đi vay phải có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, không biết có bao nhiêu người lao động thu nhập thấp có thể mua được nhà.
Vì thế, chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nghiên cứu một mức lãi suất hợp lý để người đi vay tiếp cận được vốn vay và mới có thể mua được nhà.
Lắng nghe những kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất sửa đổi Nghị định số số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; đồng thời cũng sửa đổi ngay Thông tư 09/2021/TT-BXD của Bộ về nhà ở xã hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại, nghiên cứu, hướng dẫn điều kiện vay để người xây nhà và người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; bên cạnh đó nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tháo gỡ, đề xuất các giải pháp liên quan quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngoài các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường, để cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng cho biết đã có 23 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, một số dự án đang được giải ngân.
Giang Oanh
Kỳ tiếp: Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động