In bài viết

Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã đề cập vấn đề đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 17 và hơn 20 điều khác, qua đó có thể tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong việc thực hiện chính sách này với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm.

20/06/2023 17:39
Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hội thảo "Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Chiều 20/6, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý".

Ông Trần Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Luât Đất đai là dự án luật có tầm quan trọng rất lớn, tính chất phức tạp, đối tượng tác động rất rộng. Ngày mai (21/6), Quốc hội sẽ dành hẳn 1 ngày để thảo luận tại Hội trường về dự án luật này.

Theo ông Trần Vũ Thanh, hiện nay đang nổi lên một số nội dung quan trọng còn nhiều ý kiến, đó là về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa; nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quỹ phát triển quỹ đất và Tổ chức phát triển quỹ đất; cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng sau thời gian chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cả nước, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (bản tháng 5/2023) đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa nhằm tiệm cận nhiều nhất có thể với yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu bản sửa đổi mới nhất của dự thảo Luật Đất đai vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được làm rõ.

Theo ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi, trong 2 thập kỷ qua, nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và văn bản thực thi chính sách của Chính phủ về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai. Gần đây nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh định hướng chỉ đạo của Đảng trong vấn đề này. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh…; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là một cơ hội để giải quyết một số vướng mắc cơ bản liên quan đến giao đất, giao rừng, đất tín ngưỡng, tiếp cận thông tin và trợ giúp pháp lý đất đai nhằm tăng cường tiếp cận và hưởng dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả.

Theo ông Trương Quốc Cần, khả năng tiếp cận và hưởng dụng đất, rừng được xem là một yếu tố có vai trò quyết định đối với sinh kế, văn hóa và môi trường sống của người dân tộc thiểu số (đất đai đóng góp khoảng 28-40% vào các yếu tố tác động đến thu nhập của hộ gia đình dân tộc thiểu số).

Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2030 cho thấy, đến năm 2019, cả nước có khoảng 514 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất hoặc đất ở và nhà ở. Nhiều địa phương cho rằng nguồn lực, quỹ đất rất khó khăn và mức hỗ trợ thấp. Trên thực tế, diện tích đất chưa sử dụng của cả nước có 1,2 triệu ha, trong đó, đất đồi núi chưa sử dụng còn 908,56 nghìn ha.

Theo ông Trương Quốc Cần, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tạo quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất, như: Bổ sung "dự án tạo quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất" vào danh mục các dự án được thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; có quy định cụ thể về nguyên tắc, quy trình phù hợp để giao/cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số trong các trường hợp mà hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, hoặc các trường hợp có chồng lấn, tranh chấp.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn nhằm giải quyết dứt điểm việc chậm trễ tiến độ giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Rà soát và bổ sung các điều khoản quy định liên quan đến thông tin đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo hệ thống thông tin phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất; rà soát và bổ sung các điều khoản liên quan đến giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm sự nhất quán giữa Luật Đất đai với Luật Lâm nghiệp và các quy định của luật khác...

Nhiều vấn đề được nhân dân quan tâm đã được nghiên cứu, rà soát kịp

Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cũng tại Hội thảo, nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai được các nhà khoa học tập trung thảo luận. 

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong dự thảo luật, một số vấn đề được nhân dân quan tâm đã được nghiên cứu, rà soát kịp thời, nhất là thu hồi đất và xác định giá đất…Tuy nhiên, tiếp cận từ góc độ quy hoạch, quản lý vẫn còn một số tồn tại cần được xem xét tiếp.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cần được xem xét với tính độc lập nhất là bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa nhanh trong giai đoạn tới. Trong quy hoạch sử dụng đất cần quan tâm đến yêu cầu phân kỳ 5 năm với kế hoạch sử dụng đất để tạo thuận lợi, cơ động là giao tỉnh được chủ động điều chỉnh hàng năm trên cơ sở khung quy định cả kỳ kế hoạch.

Đối với cấp huyện lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm là hợp lý. Trong dự thảo có quy định, đối với các quận, thành phố, thị xã trực thuộc thành phố thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất là hợp lý, có tính kế thừa. Tuy nhiên, lưu ý hiện nay trong lập quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch có lập quy hoạch cho vùng huyện, liên huyện, vì vậy cần đặt vấn đề lồng ghép sử dụng đất vào trong quy hoạch nêu trên.

Về bảng giá đất, đây là nội dung rất được nhân dân quan tâm. Dự thảo đã có tiếp thu các góp ý. Theo ông Nghiêm, để xác định giá đất cần xem xét thêm về thành phần Hội đồng thẩm định để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường. Vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội nghề nghiệp các cấp có liên quan đến đất đai cần được khẳng định, không chỉ là tham gia cuộc họp như trong dự thảo quy định...

Hoàng Giang