In bài viết

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

16/07/2024 09:50
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính- Ảnh 1.

Theo Bộ Công an, ngày 12 tháng 11 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Nghị định đã quy định tương đối cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế cũng như thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 86, Điều 87 và Điều 88 với một số nội dung mới, thay đổi so với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Thực tiễn tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, nhiều nội dung cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như về lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ việc cưỡng chế; về chi phí dành cho công tác cưỡng chế; về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức cưỡng chế và một số bất cập trong các biện pháp cưỡng chế.

Những khó khăn, vướng mắc trong quy định của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP đã dẫn đến tỷ lệ và hiệu quả cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, thậm chí ảnh hưởng đến tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, thì việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết.

Dự thảo Nghị định gồm 05 chương, 56 điều với nội dung cơ bản sau:

1. Chương I. Những quy định chung

Chương này gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc áp dụng; nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế; kinh phí thi hành quyết định cưỡng chế của tổ chức bị cưỡng chế là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập không có thu được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước; lập biên bản việc tổ chức, cá nhân bị xử phạt không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan; trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế; bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế; tạm đình chỉ, đình chỉ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Chương II. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế

Chương này gồm 05 Mục, 36 điều (từ Điều 11 đến Điều 46), quy định về đối tượng bị áp dụng trong từng biện pháp cưỡng chế, xác minh thông tin về tiền, tiền lương, thu nhập, tài khoản, tiền gửi, tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; quyết định cưỡng chế, tỷ lệ khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân bị cưỡng chế; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị khấu trừ; trách nhiệm của tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản, sổ tiền gửi; chấm dứt phong toả tài khoản; nguyên tắc kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; những tài sản không được kê biên; quyết định cưỡng chế kê biên tài sản; tổ chức thi hành các biện pháp cưỡng chế cụ thể; biên bản thi hành các biện pháp cưỡng chế cụ thể; giao bảo quản tài sản kê biên; định giá tài sản kê biên; chuyển giao tài sản đã kê biên để đấu giá; chuyển giao quyền sở hữu tài sản.

3. Chương III. Bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế hành chính

Chương này gồm 04 điều (từ Điều 47 đến Điều 50), quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính; chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế để bảo đảm thi hành; cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng các hình thức xử phạt vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả; quyết định về việc chưa có điều kiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

4. Chương IV. Chi phí cưỡng chế hành chính

Chương này gồm 03 Điều (từ Điều 51 đến Điều 53), quy định về xác định chi phí cưỡng chế; tạm ứng, hoàn trả chi phí cưỡng chế; thanh toán chi phí cưỡng chế.

5. Chương V. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 03 Điều (Điều 54, 55, 56), quy định về hiệu lực thi hành của Nghị định; điều khoản chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thi hành Nghị định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước