Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)” được tổ chức diễn ra trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam.
Diễn đàn lần này sẽ thảo luận những vấn đề cụ thể hơn. |
Đây là cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế. Thực tế, đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam, trong hơn 1 năm qua, có khá nhiều bộ, ngành hưởng ứng tích cực Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng vẫn còn khá nhiều lúng túng, không biết làm từ đâu, nguồn lực từ đâu ra…
Sự kiện lần này nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Vụ trưởng-Thư ký Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nếu như tại diễn đàn lần trước, được tổ chứ năm 2017, câu chuyện 4.0 chỉ là sự gợi mở, khai phá thì Diễn đàn năm nay với mục tiêu phải cụ thể hoá được chính sách cho từng ngành, nhóm ngành. Dự kiến, sẽ có khoảng 1.700-1.800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự sự kiện.
Chuỗi sự kiện sẽ có một phiên Diễn đàn cấp cao có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ở vai trò chủ trì. Phiên đối thoại này tập trung chủ yếu vào chủ trương, chính sách tham gia CMCN 4.0, với sự tham gia của các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), World Bank cùng các Bộ trưởng phía Việt Nam.
Đáng chú ý, Thủ tướng có thể sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các Bộ trưởng trả lời các vướng mắc được doanh nghiệp nêu ra.
Ngoài phiên Diễn đàn cấp cao, trong khuôn khổ sự kiện còn có 5 hội thảo chuyên đề sẽ góp phần hóa giải những vấn đề trọng tâm của cuộc CMCN 4.0 bao gồm: Những xu hướng lớn của CMCN lần thứ 4: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam; Đô thị thông minh; Phát triển sản xuất thông minh; Nông nghiệp thông minh; Bước tiến mới trong ngành tài chính-ngân hàng.
Trong đó, đáng lưu ý, hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN lần thứ 4: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”. Hội thảo sẽ tập trung vào đề xuất định hướng chiến lược về phát triển các ngành khoa học công nghệ của Việt Nam phù hợp với xu thế vận động của CMCN 4.0; một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020; xu hướng chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh mới…
Điểm đáng chú ý là Ban Tổ chức đã kết nối các chuyên gia quốc tế nhiều kinh nghiệm, có khuyến nghị sâu sắc hướng tới đặc điểm của từng quốc gia. Các chuyên gia sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng như: kinh nghiệm phát triển cách mạng công nghiệp bao trùm, hướng tới bảo đảm lợi ích của cả các nhóm yếu thế, hoặc phát triển khoa học công nghệ một cách thực chất không để ngân sách lãng phí tốn kém cho các dự án, đề tài không thực chất, làm theo phong trào mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hoá, phát triển một cách hiệu quả…
Được biết, năm 2011, tại Hội chợ Công nghệ Hanover, Cộng hòa Liên bang Đức, thuật ngữ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư - gọi tắt là công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được sử dụng
Đặc trưng của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo, số hóa, thông minh hóa các thiết bị, và sự hội tụ, dung hợp nhiều công nghệ, cũng như sự kết nối, tương tác giữa chúng trên các lĩnh vực trên quy mô rộng lớn, cho phép con người có thể kiểm soát mọi thứ từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian.
Nhờ đó quá trình tương tác diễn ra nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Điển hình là các loại “sản phẩm thông minh” như máy thông minh nhân tạo (AI), rô bốt, mạng lưới kết nối vạn vật (IoT), các phương tiện không người lái, công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, năng lượng và máy tính lượng tử...
Xét về bản chất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức. Hiện nay, nó đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Anh Minh