In bài viết

'Thắp lửa' tự hào ở chiến sĩ trẻ Hải quân

(Chinhphu.vn) - Bám sát yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian qua, nhiều đơn vị Hải quân đã chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ.

07/06/2024 14:45
'Thắp lửa' tự hào ở chiến sĩ trẻ Hải quân- Ảnh 1.

Chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024 tham quan, học tập tại Nhà Truyền thống Vùng 4 Hải quân - Ảnh: VGP/Hoàng Diệu

Hình thức giáo dục hiệu quả

Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho chiến sĩ trẻ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi dưỡng, xây dựng nhân cách người quân nhân cách mạng có tinh thần yêu Tổ quốc, quý trọng và gắn bó với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, giáo dục truyền thống luôn là nội dung được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn Quân chủng Hải quân quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả. Hằng năm, sau khi tiếp nhận, quản lý huấn luyện chiến sĩ mới, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch, tổ chức cho các chiến sĩ trẻ tham quan Nhà Truyền thống, các di tích liên quan đến lịch sử truyền thống của đơn vị nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn về tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước; truyền thống vẻ vang của dân tộc, Quân đội, đơn vị;… Đồng thời, động viên bộ đội ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mới đây, hơn 2.500 chiến sĩ mới tại các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân đã được tham quan, học tập tại Nhà Truyền thống của Vùng và một số địa điểm trong Căn cứ Quân sự Cam Ranh. Tại buổi tham quan, các đồng chí chiến sĩ mới đã được nghe giới thiệu về lịch sử truyền thống và những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam; truyền thống của Vùng 4; về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc;… Qua đó, bồi dưỡng niềm vinh dự, tự hào cho mỗi chiến sĩ khi được trở thành người chiến sĩ Hải quân, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Binh nhì Trần Minh Trọng, chiến sĩ mới Lữ đoàn 957 cho biết: "Được ngắm nhìn những con tàu từ thô sơ đến hiện đại, các tư liệu, hình ảnh của Hải quân nhân dân Việt Nam và Vùng 4 đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Những lời giới thiệu, những hiện vật đã giúp chúng tôi thấy được sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước vì chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; từ đó, mỗi người như có thêm động lực để tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện của mình".

Tương tự, tại Trung đoàn Tàu ngầm 196, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cũng được thực hiện một cách sáng tạo, sinh động, hiệu quả gắn với những hình thức, phương pháp cụ thể. Bên cạnh việc tổ chức cho chiến sĩ mới, cán bộ, thủy thủ có thành tích tham quan Nhà Truyền thống nhân các ngày lễ lớn, hoạt động giáo dục truyền thống còn được lồng ghép trong từng bài giảng chính trị và các buổi sinh hoạt của đơn vị. Đặc biệt, cán bộ, thủy thủ toàn Trung đoàn còn luôn tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống của Quân đội, Quân chủng Hải quân,…

'Thắp lửa' tự hào ở chiến sĩ trẻ Hải quân- Ảnh 2.

Giáo dục truyền thống lịch sử đơn vị cho chiến sĩ trẻ tại Trung đoàn Tàu ngầm 196 - Ảnh: VGP/Quang Đạo

Nỗ lực đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống

Theo Đại tá Phạm Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 957, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng là một nội dung quan trọng để định hướng nhận thức cho bộ đội, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ hiểu được sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước. Qua đó, "thắp lửa" tự hào, khơi dậy tinh thần học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình huấn luyện tại đơn vị. Đồng thời, giúp chiến sĩ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực tiễn tại các đơn vị Hải quân cho thấy, để hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng không rơi vào khô khan, sơ sài, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã luôn coi trọng bồi dưỡng, phát huy vai trò của nguồn lực con người và hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa tương ứng. Các đơn vị đã yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị, nhân viên Nhà Truyền thống các cấp tích cực nghiên cứu tư liệu, tài liệu lịch sử. Đồng thời tổ chức thục luyện phương pháp truyền đạt nhằm giúp những nội dung giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của đơn vị luôn cuốn hút bộ đội.

Đặc biệt, bám sát sự phát triển của đời sống xã hội, các đơn vị Hải quân còn thường xuyên chú trọng kết hợp nhiều hình thức giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tiêu biểu như: Tổ chức tham quan Nhà Truyền thống; tổ chức giao lưu, tọa đàm, mời thủ trưởng đơn vị, các đồng chí cựu chiến binh, cán bộ lão thành đến nói chuyện truyền thống nhân dịp lễ, tết; tổ chức các trò chơi, thi tìm hiểu truyền thống qua những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ;…

Mỗi hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng đã là bài học thực tiễn sinh động đối với cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ, nhằm giáo dục truyền thống, công lao, cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi trước của Quân chủng Hải quân và đơn vị; giúp các chiến sĩ trẻ thấy rõ hơn niềm vinh dự khi được phục vụ trong Hải quân nhân dân Việt Nam. 

Đồng thời, nhắc nhở, động viên giúp cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ không ngừng nâng cao lòng tự hào, trách nhiệm trong kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước; quyết tâm học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Quang Đạo