In bài viết

Thay chương trình Cambridge bằng chương trình tích hợp cao hơn

(Chinhphu.vn) - Sự việc gần 5.000 học sinh phổ thông của TPHCM đang theo học chương trình Cambridge sau 4 năm đã phải dừng đột ngột đã tạo nên những băn khoăn, lo lắng cho học sinh, phụ huynh và dư luận.

26/06/2014 10:07
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Xin ông giải thích rõ nguyên nhân của việc dừng chương trình Cambridge đang được triển khai tại 30 trường phổ thông ở TPHCM?

Ông Lê Hồng Sơn: Để thực hiện Đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp trong Thành phố, từ năm 2010, Sở GDĐT TPHCM đã đưa chương trình dạy Toán, Khoa học và tiếng Anh quốc tế Cambridge (CIE) vào giảng dạy thí điểm tại một số trường tiểu học, THCS.

Có 30 trường tổ chức cho học sinh tham gia các khóa học và đã được sự đánh giá cao của phụ huynh và học sinh (HS). HS không chỉ học tốt chương trình và nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, thông qua ngoại ngữ để tiếp cận các kiến thức toán và khoa học.

Tuy nhiên, qua 4 năm học triển khai thực hiện chương trình CIE, Sở GDĐT nhận thấy có những bất cập và một số trở ngại.

Do những quy định chặt chẽ và khá cao như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... so với điều kiện thực tế của Việt Nam mà CIE yêu cầu khi phát triển chương trình, khả năng mở rộng chương trình cho nhiều đối tượng HS và triển khai đến các quận huyện ở xa trung tâm hơn sẽ khó thực hiện.

Mặt khác, đầu ra của chương trình CIE là các chứng chỉ công nhận kết quả chỉ giới hạn của Hội đồng khảo thí thuộc Đại học Cambridge. Trong bối cảnh những năm về trước thì phù hợp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay và lâu dài, việc mở rộng và đa dạng hóa đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế của các hội đồng khảo thí khác nhau là cần thiết, đặc biệt việc tích hợp chương trình là một yêu cầu cấp bách và cần thiết.

Ngoài ra, HS tham gia chương trình CIE có thể phải học lại một số kiến thức đã được học theo chương trình của Bộ GDĐT, như vậy sẽ gây lãng phí thời gian và tạo sự nhàm chán cho học sinh vì phải học lại kiến thức cũ. 

Đồng thời, ngay từ khi triển khai chương trình này, ngành Giáo dục TPHCM cũng xác định trước mắt sẽ thí điểm tại một số trường nội thành và phải xác định, thẩm định, khảo sát, đánh giá chặt chẽ và toàn diện trước khi nhân rộng.

Vậy, hướng giải quyết cụ thể của ngành GDĐT TPHCM về vấn đề này như nào, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Mặc dù ngừng đăng ký mới chương trình Cambridge từ năm học 2014-2015, nhưng chương trình vẫn tiếp tục được duy trì đến hết năm 2018 cho các HS đang theo học mà không có thay đổi gì về kết cấu, nội dung và vẫn lấy chứng chỉ của CIE để đảm bảo quyền lợi cho những HS đang theo học.

Riêng với những học sinh chuyển cấp (từ lớp 5 lên lớp 6) bậc THCS, Sở GDĐT cùng với các phòng ban, quận huyện và các trường đang triển khai chương trình Cambridge sẽ tính toán cụ thể và hợp lý để cho các em có thể tiếp tục học tiếp đến hết cấp (nếu muốn), hoặc có thể đăng ký chuyển sang chương trình mới mà Sở GDĐT sẽ triển khai ngay trong năm học 2014-2015.

Việc ngưng chương trình Cambridge có ảnh hưởng đến quyền lợi của HS đang theo học?

Ông Lê Hồng Sơn: Sở GDĐT khẳng định việc triển khai chương trình tích hợp thay thế chương trình CIE không hề ảnh hưởng đến quyền lợi của HS. Bởi vì, Sở GDĐT sẽ triển khai ngay chương trình tích hợp mới nhằm đảm bảo tính phù hợp hơn; đảm bảo tính ổn định, kế thừa giữa các cấp học và đặc biệt không gây quá tải cho HS. Các em HS sẽ được học liên tục mà không có khoảng thời gian nào bị gián đoạn.

Trong chương trình mới thay thế “Đổi mới dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên Phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam” đã được Bộ GDĐT chấp nhận và UBND TPHCM cho phép mở rộng chương trình tới tất cả các đối tượng HS và phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của hầu hết các trường phổ thông tại TPHCM.

Bên cạnh đó, chương trình mới đã được hai bộ GDĐT Việt Nam và Anh quốc hợp tác, xây dựng, tích hợp trên cơ sở đảm bảo yếu tố tiên tiến hiện đại nhưng phải phù hợp với điều kiện giáo dục của Việt Nam. Ngoài ra, chương trình còn đáp ứng chuẩn đầu ra của các hệ thống khảo thí trên thế giới và phù hợp với yêu cầu đa dạng và định hướng con đường học tập cũng như tương lai nghề nghiệp của HS trong giai đoạn hiện nay.

Việc triển khai và áp dụng nhiều chương trình tiếng Anh hiện nay của Thành phố có làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo chung không, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Việc áp dụng các chương trình tiếng Anh nói riêng hay chương trình giáo dục nói chung vào quá trình đào tạo chỉ là những giải pháp để phù hợp với từng giai đoạn, từng điều kiện của các địa phương. Bên cạnh đó, việc áp dụng nhiều chương trình sẽ tạo điều kiện cho nhiều đối tượng HS với các điều kiện về kinh tế, hoàn cảnh khác nhau có thể được thụ hưởng các phương pháp mới, hiện đại và tiên tiến.

Cụ thể ở các trường phổ thông đang có 3 chương trình tiếng Anh. Đó là đề án tăng cường tiếng Anh quốc gia của Chính phủ, tiếng Anh phổ thông và chương trình tiếng Anh tích hợp.Tùy theo năng lực của bản thân HS cũng như dựa vào điều kiện kinh tế mà HS và phụ huynh có thể lựa chọn cho mình một chương trình thích hợp.

Như vậy, với một thành phố lớn có hơn 1 triệu HS phổ thông như TPHCM thì việc triển khai nhiều chương trình tiếng Anh sẽ tạo cho HS nhiều cơ hội lựa chọn để phù hợp với mục đích học tập trong tương lai của các em.

Theo ông cần có những yêu cầu hay điều kiện gì để việc triển khai những chương trình liên kết về giáo dục như chương trình Cambridge được thông suốt, hạn chế những "trục trặc"?

Ông Lê Hồng Sơn: Để xây dựng đề án tích hợp, Sở GDĐT TPHCM đã nghiên cứu nhiều mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới để xây dựng mô hình phù hợp nhất cho Thành phố.

Mục tiêu của Sở là xây dựng một chương trình vừa đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Thực tế, qua 4 năm triển khai chương trình Cambridge của CIE cho thấy chương trình đã đáp ứng được mục tiêu về một chương trình tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế tại Thành phố. Đó chính là nền tảng cơ bản để Sở xây dựng chương trình tích hợp đảm bảo mục tiêu một chương trình vừa đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Như vậy có thể nói, việc thực hiện chương trình Cambridge trong bốn năm qua đã giúp ích phần nào để Thành phố học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới việc thực hiện chương trình tích hợp một cách hiệu quả.

Thanh Thủy (thực hiện)