![]() |
Nền kinh tế Trung Quốc đang trỗi dậy. |
Theo dự báo, trong năm nay, GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản. Trong khi hầu hết các quốc gia châu Á đang hồi phục mạnh mẽ từ cuộc suy thoái toàn cầu, Nhật Bản lại là ngoại lệ duy nhất mà triển vọng tăng trưởng vẫn chưa rõ ràng.
Theo Giáo sư Heizo Takenaka, đối với Trung Quốc, có 3 thay đổi quan trọng sẽ liên quan mạnh mẽ đến địa chính trị khu vực và thế giới.
Đầu tiên, mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (dù đến giờ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các đầu vào như lao động, vốn và năng lượng) đang ngày càng khởi sắc nhờ tiến bộ công nghệ - giống như các nền kinh tế công nghiệp hóa khác.
Thứ hai, dự báo đồng nhân dân tệ sẽ được định giá lại về cơ bản trong những năm tới.
Thay đổi thứ ba liên quan đến nhân khẩu học, phản ánh hệ quả của chính sách một con.
![]() |
Nền kinh tế Nhật Bản suy giảm. |
Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục phải vật lộn với nhiều thách thức. Quốc gia này rất cần một lãnh đạo chính trị mạnh mẽ để ngăn ngừa viễn cảnh Hy Lạp thứ hai. Hiện tại, tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật bản lên tới 190% so với mức 120% ở Hy Lạp.
Xã hội “già” của Nhật Bản đồng nghĩa tiết kiệm hộ gia đình sẽ giảm đột ngột, khiến khu vực tư nhân gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính để san lấp các thâm hụt ngân sách thường niên bằng trái phiếu Chính phủ. Các chi phí trợ cấp và chăm sóc y tế sẽ tăng. Không sớm thì muộn, thuế sẽ phải tăng đột xuất.
Nhưng tăng thuế mà không có những cải cách toàn diện cũng sẽ không thể giải quyết được các vấn đề của Nhật Bản. Ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng ngân sách ở Nhật Bản sẽ khiến câu chuyện của Hy Lạp trở thành vặt vãnh. Hy Lạp chỉ chiếm 3% GDP trong Liên minh châu Âu (EU). Còn Nhật Bản chiếm tới 1/3 GDP châu Á và 8% GDP toàn thế giới.
Giáo sư Heizo Takenaka cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cũng như hướng tới tương lai, những kỳ vọng của thế giới đối với các Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản về quản lý kinh tế có trách nhiệm đang ngày càng tăng. Và không chỉ hy vọng, đó đang là những đòi hỏi thực sự cấp bách./.
Linh Chiến