In bài viết

Thay đổi nhận thức - cốt lõi của việc kiểm soát thuốc lá

(Chinhphu.vn) - Thuộc tính xã hội của sản phẩm thuốc lá rất mạnh, nên việc kiểm soát thuốc lá không đơn thuần là các biện pháp hành chính, xử phạt mà điểm cốt lõi là việc tác động để thay đổi nhận thức, hành vi của cả người hút và không hút thuốc.

06/11/2015 13:50

Nghiện thuốc lá cũng là bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện thuốc lá thuộc nhóm bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, có mã bệnh F17 theo phân loại bệnh tật ICD-2011. Đây cũng là một lý giải tại sao việc từ bỏ sử dụng thuốc lá trở nên khó khăn đối với nhiều người, mặc dù nhu cầu và mức độ sử dụng có khác nhau.

Cần nhận thức rõ ràng rằng thuốc lá là sản phẩm độc hại cho sức khỏe và là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh tật.

Mối nguy hại từ việc sử dụng thuốc lá được ghi trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá: “Thuốc lá và một số sản phẩm khác chứa thuốc lá được chế tạo một cách tinh xảo nhằm mục đích tạo ra và duy trì sự phụ thuộc vào thuốc lá. Nhiều hợp chất chứa trong thuốc lá và khói do thuốc lá sinh ra có hoạt tính dược lý độc hại, gây biến đổi gene và gây ung thư, và chỉ riêng sự phụ thuộc vào thuốc lá đã được xếp loại là một tình trạng rối loạn trong các phân loại về bệnh tật của quốc tế”.

Do vậy, phải nâng cao nhận thức về ảnh hưởng xã hội của hành vi hút thuốc lá nếu không được kiểm soát.

Việc sử dụng thuốc lá không đúng nơi quy định gây nên tình trạng hút thuốc thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, là sự vi phạm quyền bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc.

Nghiện thuốc lá có 3 cấp độ khác nhau được gọi là nghiện thực thể, nghiện tâm lý và nghiện hành vi.

Nghiện thực thể là nhu cầu cần duy trì nồng độ nicotin trong máu của người hút thuốc lá. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng triệu chứng bệnh lý rõ rệt. Nghiện tâm lý là việc sử dụng thuốc lá giúp giải quyết, giải tỏa những biểu hiện căng thẳng về mặt tinh thần. Nghiện về hành vi là thói quen liên kết sự kiện hút thuốc với các sự kiện khác trong cuộc sống như một phản xạ có điều kiện.

Thuộc tính xã hội của sản phẩm thuốc lá rất mạnh, nên việc kiểm soát thuốc lá không đơn thuần chỉ là các biện pháp hành chính, xử phạt mà điểm cốt lõi của nó là việc tác động để thay đổi nhận thức và hành vi của cả người hút và không hút thuốc.

Do vậy, vai trò của gia đình, cộng đồng, nhất là các tổ chức xã hội, đoàn thể có ý nghĩa quan trọng trong việc làm giảm nhu cầu cũng như kiểm soát việc sử dụng thuốc lá.

Kinh nghiệm phòng, chống tác hại thuốc lá của các nước

Tại Thái Lan, năm 1992, Quốc hội đã ban hành Luật Kiểm soát sản phẩm thuốc lá và Luật Bảo vệ những người không hút thuốc. Năm 2001, ban hành luật về quỹ sức khỏe (Thai Heath).

Năm 2006, Sri Lanka  ban hành luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát rượu, thuốc lá.

Sau một thời gian thực hiện, hai quốc gia nói trên đã thu được kết quả tốt trên nhiều mặt. Chính phủ đã kiểm soát được việc tiêu thụ thuốc lá và số lượng tiêu thụ giảm dần, trong khi nguồn thu cho ngân sách vẫn tăng.

Năm 1991, số người hút thuốc tại Thái Lan là 12,6 triệu, năm 2009 giảm xuống còn 10,9 triệu theo số tuyệt đối.

Tại Sri Lanka, tỉ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 29% năm 2008 xuống còn 22% vào năm 2015.

Thái Lan áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt tới 85% đối với sản phẩm thuốc lá điếu và cộng thêm 7% thuế giá trị gia tăng. Tỉ lệ của thuế thuốc lá trên giá bán lẻ mỗi bao là 70%.

Tăng thuế để làm giảm sức mua sản phẩm thuốc lá, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách.

Ở Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá cũng đang là vấn đề đáng báo động.

Cho đến nay, chúng ta đã có hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, để công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả phải có quyết tâm cao của các cấp, các ngành và quyết tâm của mỗi cá nhân đối với bản thân cũng như giúp người thân của mình từ bỏ thuốc lá.

ThS.BS. Vũ Văn Thành

(Bệnh viện Phổi Trung ương)