Cơ sở vật chất mới tại Trường Tiểu học Nậm Xe, huyện Phong Thổ trước năm học mới.
Những ngày cuối tháng 8, nhiều trường học ở Lai Châu được xây mới, sửa chữa nâng cấp đã được bàn giao cho các trường để kịp chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2024-2025, mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho thầy và trò.
Năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Nậm Pì (xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn) được bàn giao 10 phòng học và dãy nhà bán trú, bếp ăn kiên cố xây mới, trị giá 28,6 tỷ đồng. Các thầy, cô giáo đang dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng để kịp đón học sinh trở lại trường vào ngày khai giảng.
Tương tự, điểm trường trung tâm của Trường Mầm non Nập Pì cũng được bàn giao dãy nhà 2 tầng để kịp sử dụng cho năm học mới. Trường có 9 điểm trường nằm ở các bản, chỉ còn 1 điểm trường là nhà lắp ghép. Nhà trường mong muốn, điểm trường còn lại sớm được ngành giáo dục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.
Theo ông Trần Quang Tráng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, năm học 2024-2025, huyện Nậm Nhùn có 28 trường, 384 lớp và hơn 9.700 học sinh. Phòng đã tiếp nhận 13 công trình được đầu tư xây mới và sửa chữa từ các nguồn của huyện và tỉnh.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, đơn vị đã rà soát những nhu cầu thiết yếu của các trường học; chủ động rà soát, mua sắm các trang thiết bị dạy và học còn thiếu; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân mua sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập và chuẩn bị tốt việc nuôi dưỡng học sinh bán trú khi học sinh trở lại trường…
Năm học mới 2024-2025, mục tiêu của ngành GDĐT huyện Nậm Nhùn là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học. Đẩy mạnh chất lượng học sinh mũi nhọn, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp các cấp đạt trên 97% trở lên. Công nhận mới 4 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn lên 21/28 trường. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập xóa mù chữ, phấn đấu 6 xã, thị trấn đạt xóa mù chữ mức độ 2.
Tại huyện Phong Thổ, nhiều trường học cũng được xây thêm các dãy nhà hoặc sửa chữa các phòng học, nhà giáo vụ, nhà bán trú…
Ông Trần Viết Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Phong Thổ cho biết, đơn vị đang quản lý 18 dự án bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học trên toàn huyện với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng. Đến nay, có 9 dự án hoàn thành và đã bàn giao, 3 dự án sẽ bàn giao đầu năm học 2024-2025. Những dự án còn lại, đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành đúng và vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Nằm cách TP. Lai Châu hơn 200 km, Tá Bạ là xã vùng cao, biên giới thuộc diện khó khăn của huyện Mường Tè, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 63,3%. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc La Hủ và Hà Nhì. Hình ảnh chiếc xe máy với nhiều em học sinh được thầy cô chở từ nhà đến trường, vượt qua những cung đường trắc trở, hay lần lượt các con được cõng qua suối cho thấy đường tìm đến con chữ của các em vẫn còn lắm gian nan.
Thấu hiểu những thử thách trên con đường đến trường của các em học sinh thân yêu, thầy Lê Hoài Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và THCS Tá Bạ vẫn luôn mong nhà trường có điều kiện cơ sở vật chất thật tốt, tạo môi trường lành mạnh, đủ đầy để học sinh được phát triển toàn diện.
Nhiều năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường luôn cố gắng cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh bằng việc phối hợp với gia đình và xã hội trong thực hiện quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc các em. Tuy nhiên, với 400 học sinh, nên dù đã cố gắng hết sức, thì khó khăn trong vấn đề tài chính là điều không thể tránh khỏi.
Năm học 2024-2025, nhà trường quyết tâm xây dựng trường đạt các tiêu chí trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và là trường "xanh-sạch-đẹp-an toàn", tạo điều kiện cho các em học sinh có một môi trường giáo dục tốt hơn. Sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước sẽ góp phần cải thiện điều kiện học tập cho các em học sinh, mang niềm vui đến với thầy và trò nơi đây.
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Bản Giang (huyện Tam Đường) có 1 điểm trường chính, 5 điểm lẻ, 21 lớp với trên 400 học sinh. Cùng với huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên bắt tay vào sửa chữa, chỉnh trang lại khuôn viên trường, lớp học, dọn dẹp vệ sinh, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh chuẩn bị SGK, vở, đồ dùng học tập trước khi năm học chính thức bắt đầu.
Thầy Phạm Huy Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Giang chia sẻ: "Kết thúc năm học 2023-2024, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để phổ biến, tuyên truyền và giới thiệu những bộ sách, danh mục SGK cho từng lớp. Phụ huynh cùng nhà trường đặt mua SGK cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện xã hội hóa để học trò có đầy đủ sách cho năm học mới. Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, SGK phục vụ công tác dạy học".
Còn theo thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và THCS Tà Tổng (huyện Mường Tè): "Năm nay, trường có 911 học sinh. Đối với SGK ở các lớp đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường vận động học sinh khóa trước để lại cho khóa sau. Đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh đăng ký mua sách mới cho trẻ. Số tiền mua sách được trừ vào khoản hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh sau này. Đến nay, nhà trường đã nhận đủ sách cho học sinh bước vào năm học mới".
Năm học 2024-2025, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè quản lý 36 trường với 578 lớp, trên 14.270 học sinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Phòng GD&ĐT đã tổ chức rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung thiết bị dạy học còn thiếu cho các trường học trong toàn ngành. Đặc biệt là thiết bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, SGK mới lớp 5, lớp 9.
Tại huyện Tân Uyên, năm học 2024-2025 có 6.600 học sinh tiểu học và 6.033 học sinh THCS. Ông Vũ Trường Tới, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên cho biết, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh mua SGK cho con em. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa SGK từ những tổ chức, cá nhân để ưu tiên hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, huyện đặt ra mục tiêu không để em nào thiếu SGK khi bước vào học tập ở năm học mới.
Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Lai Châu cung ứng sách, thiết bị với hơn 80% thị phần phân phối trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo cung ứng đủ SGK trước thềm năm học mới, công ty đã khảo sát nhu cầu tại các trường học, lên kế hoạch với nhà xuất bản, đảm bảo về số lượng theo yêu cầu thực tế. Đến nay, công ty đã cung ứng trên 600.000 bản SGK tới các cơ sở giáo dục.
Theo đánh giá của phụ huynh, SGK và thiết bị trường học năm nay có chất lượng tương đối tốt, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, giá cả ổn định.
Năm học này, tỉnh Lai Châu dự kiến có 335 trường, 5.206 lớp, gần 150.400 học sinh. Tỉ lệ kiên cố trường học đạt 99,7%, phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 98,9%.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT phối hợp các huyện, thành phố rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, SGK...; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo vị trí việc làm phù hợp thực tế địa phương.
Bà Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết, toàn tỉnh đã sửa chữa 175 phòng học, 167 công trình phụ trợ, như: Nhà ăn, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập… để kịp thời phục vụ năm học mới.
Ngành cũng thực hiện quy trình mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp 5, 9, 12 và mua sắm thiết bị bổ sung cho các lớp còn lại.
Các trường phổ thông dân tộc nội trú đẩy nhanh tiến độ mua sắm học phẩm, SGK, trang thiết bị ban đầu cấp phát cho học sinh nội trú. Các cơ sở giáo dục chủ động tuyên truyền để phụ huynh học sinh kịp thời mua SGK, vở viết, đồ dùng học tập cho con em mình. Các đơn vị kêu gọi đóng góp xã hội hóa về SGK, vở viết; phấn đấu đầu năm học mới toàn bộ học sinh có đủ SGK để học.
Hiện Lai Châu còn thiếu 972 giáo viên ở các cấp học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, Sở GD&ĐT rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp phù hợp thực tế của địa phương; tuyển dụng, hợp đồng đào tạo đủ số lượng giáo viên nhất là các môn đang còn thiếu.
Sở tổ chức linh hoạt các phương án dạy học; sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên; đồng thời, cử tuyển học sinh đi học các ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số để đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên...
Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với nhà xuất bản, đơn vị cung ứng, dựa trên số lượng học sinh để đăng ký nhu cầu cần cho năm học mới. Từ đó, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh chủ động mua sắm.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Lai Châu còn phát động phong trào quyên góp, ủng hộ SGK trong toàn ngành để đưa vào thư viện trường. Không những thế, ở mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như mỗi cơ sở giáo dục trên địa bàn đều tham gia vận động tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ SGK. Số sách quyên góp được sẽ dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu xa mượn khi có nhu cầu. Nhờ vậy, năm học 2024-2025, tất cả học sinh ở Lai Châu sẽ có đủ SGK để học tập.
HA