In bài viết

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân

(Chinhphu.vn) – Chiều 13/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

13/04/2022 16:33
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 1.

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 13/4. Ảnh: VGP

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước với gần 4.000 đại biểu tham dự.

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được trình Quốc hội lần này là bước thể chế quan trọng tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về trách nhiệm bảo đảm thực hiện của các cơ quan nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, phản biện những nhóm vấn đề chính liên quan đến: Tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật so với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở được thể hiện trong dự thảo Luật; việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện trong dự thảo Luật; việc xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đây cũng là là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng "Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân".

"Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi được thông qua và được tổ chức thực hiện sẽ không chỉ là kết quả thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở mà còn là cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa", ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Ông Lê Tiến Châu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu thấu đáo, tổng rà soát kỹ để dự án Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông với quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; với Hiến pháp và các đạo luật quy định về quyền làm chủ của nhân dân, về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trên tinh thần đó, ông Lê Tiến Châu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thể hiện rõ hơn nữa về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật thể hiện rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ông Lê Tiến Châu khẳng định, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam luôn đồng hành với cơ quan chủ trì để dự thảo có thể trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp  tới.

Nguyễn Hoàng