Một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ Washington Mutual Inc (WaMu) - sụp đổ do sức nặng của những khoản nợ xấu |
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2008 là Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ mang tính toàn cầu. Khởi phát từ sự đổ vỡ của thị trường tín dụng thứ cấp tại Mỹ khiến nhiều tập đoàn khổng lổ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm tuyên bố phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản. Một loạt các tập đoàn tài chính, ngân hàng đầu tư như Bear Stearns, Indy Mac Bank, Lehman Brother, Merril Lynch, Washington Mutual, Fannie Mae và Freddie Mac, AIG bị đổ bể hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thế giới kể từ sau cuộc Đại Suy thoái những năm 1929-1930.
Với cuộc khủng hoảng 2008, nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) trở nên bất lực do “lực bất tòng tâm”. Để cứu vãn tình thế, chính phủ các nước đã cam kết chi hơn 4.000 tỷ USD để chống đỡ sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên khoản tiền khổng lồ này vẫn như “muối bỏ biển”. Lần đầu tiên, những nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới – G-20 phải họp thượng đỉnh tại Washington trung tuần tháng 11/2008 để phối hợp hành động ngăn chặn khủng hoảng. Giải pháp mà hội nghị G-20 đưa ra cho thấy cần thiết phải có sự thay đổi trong cơ cấu của trật tự kinh tế thế giới hiện nay. Hệ quả của cuộc khủng hoảng 2008 sẽ còn kéo dài và hậu quả sẽ là vô cùng lớn.
Trước khi, cuộc khủng hoảng tài chính thực sự nổ ra, thế giới đã phải chịu một cuộc khủng hoảng khác – cuộc khủng hoảng giá lan rộng khắp các lục địa, đẩy hàng trăm triệu người trở lại dưới ngưỡng nghèo khổ, cản trở việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Khởi đầu của làn sóng lạm phát này là giá dầu tăng phi mã có lúc lên đến hơn 147 USD/thùng (trung tuần tháng 7/2008) so với mức giá trung bình 65 USD/thùng của năm 2007.
Cùng với giá dầu, giá lương thực cũng tăng nhanh chưa từng thấy, mà điển hình là giá gạo đã lên đến hơn 1.200 USD/tấn, cao gần gấp 3 lần giá năm trước. Mặc dù trong nửa cuối năm cả giá dầu và giá lương thực đều tụt giảm mạnh, song cuộc khủng hoảng giá này cho thấy giá cả ngày nay không phải chỉ do quan hệ cung – cầu quyết định, mà chịu tác động rất lớn từ các hoạt động đầu cơ. Vì quan hệ cung – cầu năm nay không khác năm trước bao nhiêu, nhưng giá cả lại khác biệt lớn. Đứng trước bối cảnh này, thế giới cần có sự hợp tác trong việc chống nạn đầu cơ.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở thành Tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử hơn 240 năm của nước Mỹ |
Về mặt chiến lược toàn cầu, cuộc chiến tại Nam Ossetia và Abkhazia với kết quả là hai khu vực này tách khỏi Gruzia tuyên bố trở thành hai quốc gia độc lập giống như tỉnh Kosovo của Serbia đã làm trước đó. Nếu như Kosovo được Mỹ, một số nước phương Tây công nhận, thì Nam Ossetia và Abkhazia đã được Nga và một số nước ngay lập tức công nhận. Cuộc chiến ở Nam Ossetia và Abkhazia có sự tham gia tích cực của Nga, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của Nga với tư cách một cường quốc thông qua việc chặn đứng “làn sóng Đông tiến’ của NATO trong việc bao vây nước Nga trong gần 20 năm qua. Sự kiện này cho thấy bản đồ châu Âu đang có sự điều chỉnh và là sự thay đổi lớn nhất sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách nay hai chục năm.
Cứ bốn năm, nước Mỹ lại tổ chức bầu cử Tổng thống. Nhưng cuộc bầu cử năm 2008 thật đặc biệt với thắng lợi vang dội của ứng cử viên Barack Obama cho thấy một nước Mỹ đang thay đổi và rất cần thay đổi. B. Obama trở thành vị Tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử hơn 240 năm của Mỹ, qua 43 đời tổng thống. Trẻ, năng động, vị tổng thống da màu đầu tiên đang được người dân Mỹ kỳ vọng sẽ làm thay đổi nước Mỹ, một đất nước bị mất uy tín nặng nề kể từ khi bước sang thế kỷ 21, bởi vụ khủng bố 11/9/2001, bị sa lầy trong hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, bị rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua… Sự xuất hiện nổi bật của ông Obama đã khiến tạp chí nổi tiếng của Mỹ - Time bầu chọn ông là nhân vật của năm 2008.
Khi bước vào năm 2008, nhiều chiến lược gia đã tính tới khả năng Mỹ tiến công Iran như Mỹ đã từng làm với Iraq. Nhưng trên thực tế đã không xảy ra cuộc chiến Mỹ-Iran. Ý đồ của Mỹ với Iran cũng không khác so với Iraq là muốn kiểm soát vựa dầu khổng lồ của nước này. Nhưng 5 năm sa lầy tại Iraq, cho Mỹ bài học không thể phiêu lưu một lần nữa. Trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã phải “đi trước” loại CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách “trục ma quỷ” , để Triều Tiên đi bước tiếp theo trong tiến trình loại bỏ chương trình hạt nhân của họ. Do bận tâm với quá nhiều vấn đề, Mỹ, một nước muốn độc quyền giải quyết cuộc xung đột “truyền kiếp” ở Trung Đông, đành phải để mặc cho “Bộ tứ” xoay xở.
Mỹ Latinh, vốn được coi như “sân sau” của Mỹ, trong thời gian gần đây bị Trung Quốc và Nga cạnh tranh quyết liệt. Việc Nga và Trung Quốc lấn sân ở Mỹ Latinh cho thấy có sự đổi chiều quan trọng trên bản đồ chiến lược toàn cầu, một bản đồ chỉ thấy Mỹ ở thế tiến công trong suốt hai thập kỷ qua, sau khi Liên Xô – một trong hai siêu cường (cùng với Mỹ trong Chiến tranh lạnh), tan rã.
|
Động đất gây thiệt hại nặng ở Tứ Xuyên, Trung Quốc |
Nếu như Mỹ đang rất cần thay đổi, thì ngược lại, nước Nga lại rất cần duy trì ổn định con đường phát triển để phục hồi vị thế cường quốc bị mất sau khi Liên Xô tan rã. Chính trong bối cảnh này, nước Nga đã chọn Dmitry Medvedev, người được Vladimir Putin lựa chọn, làm Tổng thống kế nhiệm kể từ tháng 3/2008. Người có công lớn trong việc phát triển nước Nga trong 8 năm qua – V. Putin trở thành người đứng đầu Chính phủ. Bộ đôi quyền lực này là một bảo đảm cho nước Nga tiếp tục con đường của mình – khôi phục vị trí siêu cường của Liên Xô trước đây mà Nga được thừa kế, trong cuộc chiến lập lại trật tự thế giới “hai cực”, hay “đa cực” thay thế cho trật tự “đơn cực” do Mỹ thống soái kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Năm 2008, thế giới chịu nhiều thảm họa thiên tại vô cùng lớn. Đầu tiên phải kể đến là trận động đất ngày 12/5 tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm chết 69.226 người, làm mất tích 17.923 người và 8 triệu người mất nhà cửa và làm ảnh hưởng cuộc sống đối với 45 triệu người khác.. Phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên Hoàng Hiểu Hương cho biết, thiệt hại trực tiếp về kinh tế mà trận động đất gây ra ước tính đã vượt quá 1.000 tỷ NDT (146 tỷ USD). Siêu bão Nagris tràn qua nhiều địa phương của Myanmar làm 133.000 người chết, hơn 50.000 người mất tích…Cơn bão Ike đổ bộ vào các nước vùng Caribe và bang Texas (Mỹ) đã gây thiệt hại ước tính 30 tỷ USD..
Vụ sữa nhiễm Melamine gây bệnh sạn thận cho trẻ em, xuất phát từ Trung Quốc đã khiến hàng chục nước cảnh giác, hạn chế nhập khẩu sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa của Trung Quốc. Vụ Melamine một lần nữa cảnh báo thế giới cần có cơ chế giám sát nghiêm ngặt hơn trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và minh bạch trong sản xuất.
|
Phê chuẩn Hiến chương ASEAN, quan hệ giữa các nước ASEAN sẽ ngày càng bền chặt hơn |
Ở khu vực châu Á và Đông Nam Á, sự kiện nổi bật nhất là việc 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phê chuẩn Hiến chương ASEAN và Hiến chương này bắt đầu có hiệu lực kể từ 15/12/2008. Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 40 năm thành lập, ASEAN có văn bản pháp lý cao nhất thể hiện sự liên kết toàn khu vực và mở ra con đường liên kết mạnh mẽ hơn nhằm tiến tới xây dựng một cộng đồng chung về chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Tại Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, xã hội, hình ảnh của đất nước. Tình hình tại nước này vẫn tiếp diễn phức tạp cho dù đã thay đổi ba chính phủ, ba Thủ tướng trong năm 2008.
Đại hội thể thao Olympic tại Bắc Kinh thành công, với màn trình diễn ấn tượng cả đêm khai mạc và bế mạc hoành tráng dưới sự chỉ đạo tài ba của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu là một điểm sáng trong bức tranh nhiều mảng màu đan xen của thế giới trong năm 2008.
Thế giới đã đi qua 8 năm đầu tiên của thế kỷ 21. Có hai năm được được ghi dấu trong tiến trình lịch sử là năm 2001 với vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ, đánh dấu một thời kỳ mới của thế giới – thời kỳ chủ nghĩa khủng bố trở thành kẻ thù lớn của nhân loại và năm 2008 vừa qua đi với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Năm 2008 xứng đáng được ghi dấu vào thế kỷ 21./.
Nguyễn Chiến