Khai mạc hội nghị an ninh hạt nhân các nước Châu Á
Ngày 21/1, Hội nghị về các biện pháp đối phó với nguy cơ khủng bố bằng hạt nhân và bảo vệ các cơ sở hạt nhân của các nước châu Á đã khai mạc tại Tokyo.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các quan chức chính phủ từ 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia Trung Á cùng các chuyên gia hạt nhân đến từ Mỹ và Australia sẽ tập trung thảo luận cách thức phòng chống nạn ăn cắp và chuyển đổi mục đích sử dụng nhiên liệu hạt nhân và phóng xạ.
![]() |
Kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục |
Báo cáo của LHQ về “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2010“ công bố ngày 20/1 cho biết kể từ cuối năm 2008, tổng giá trị các gói kích cầu để vượt qua khủng hoảng kinh tế của 59 nền kinh tế trên thế giới đã lên tới hơn 2,6 nghìn tỷ USD.
Các cơ quan dự báo kinh tế của LHQ cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo rằng thời điểm hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp để giảm hoặc ngừng các gói kính cầu kinh tế tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… hoặc các nền kinh tế lớn thuộc thế giới đang phát triển.
Báo cáo này nhận định rằng trong năm 2010 nền kinh tế thế giới tuy phục hồi nhanh nhưng rất mong manh và nhiều nguy cơ rơi trở lại khủng hoảng, với mức tăng trưởng toàn cầu khoảng 2,4%.
Sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô toàn cầu có thể xói mòn và làm suy yếu hơn nữa đồng USD và trở thành nguồn gây bất ổn định tài chính mới trên quy mô toàn cầu. Động lực thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế Mỹ là tiêu dùng của dân chúng vẫn thấp vì thất nghiệp cao và lãi suất tiết kiệm tăng để bù lại những tổn thất trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Thái Lan chú trọng chính sách dài hạn
Tân Phó Thủ tướng phụ trách về các vấn đề kinh tế Thái Lan Trairong Suwankhiri cho biết sau một năm thực hiện các biện pháp ngắn hạn để ổn định nền kinh tế, Chính phủ Thái Lan sẽ chú trọng triển khai chính sách dài hạn để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Trairong nhấn mạnh chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng thay thế, mở rộng hệ thống thủy lợi, giao thông đường sắt, hải cảng và nâng cao năng suất, đồng thời thực hiện nhiều dự án khác để khai thác tốt các tiềm năng của đất nước. Khoản tín dụng khoảng 400 tỷ bạt thứ hai của chính phủ sẽ được triển khai như một phần trong chương trình kích thích kinh tế trị giá 1.430 tỷ bạt (42-43 tỷ USD) và nhằm vào các mục tiêu dài hạn.
Theo ông Trairong, nhiên liệu sinh học sẽ là nội dung chính trong chính sách hướng tới các nguồn năng lượng thay thế tại Thái Lan, nhằm tạo nền tảng tốt hơn để đối phó với nguy cơ khủng hoảng dầu khí trong 30-40 năm tới. Vụ Thủy nông Thái Lan sẽ được giao nhiệm vụ đảm bảo đủ nguồn nước cho ngành nông nghiệp, với nhiệm vụ tăng diện tích canh tác đã được thủy lợi hóa lên gấp đôi trong thời gian tới.
Những trọng tâm hoạt động đối ngoại của Nga trong năm 2010
Phát biểu trong cuộc gặp các đại diện báo giới quốc tế đầu Xuân 2010 tại Mátxcơva tối 19/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề cập những hoạt động đối ngoại chủ yếu trong năm nay của nước này.
Theo đó, năm 2010, Nga đảm nhiệm chức Chủ tịch Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), do đó SNG vẫn là trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga với việc tăng cường quá trình liên kết kinh tế-thương mại, phối hợp chống khủng bố và tội phạm có tổ chức trên cơ sở song phương và đa phương.
Hướng ưu tiên đối ngoại thứ hai của Nga trong năm nay là khôi phục và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Liên minh Châu Âu (EU) cũng như quan hệ đối tác với NATO. Trong bối cảnh Nga và Mỹ đã xích lại gần nhau về lập trường và đạt được đồng thuận về nội dung chính của văn kiện mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn I (START-I), đương nhiên Nga chủ trương và hy vọng START mới sẽ được nhanh chóng ký kết.
Ngoài ra, ông Lavrov còn cho biết lãnh đạo Nga cũng xác định những hướng ưu tiên khác trong hoạt động đối ngoại của năm 2010 gồm triển vọng nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, tình hình Afghanistan, nỗ lực quốc tế nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu, bắt đầu phục hồi và phát triển, trong đó có chiến dịch quốc tế giúp đỡ các nạn nhân của trận động đất thảm khốc tại Haiti và đấu tranh chống cướp biển.
Haiti lại rung chuyển vì động đất
Ngày 20/1, một trận động đất mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra ở Haiti. Trận động đất này xảy ra 8 ngày sau khi thành phố bị trận động đất mạnh 7,0 độ richter san bằng.
Theo Cơ quan Thăm do Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 6,1 độ richter trên xảy ra tại địa điểm cách thủ đô Port-au-Prince 59 km về phía Tây vào lúc 6 giờ 3 phút (11h03' giờ GMT). Hiện vẫn chưa có thông tin thiệt hại hoặc thương vong.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã kêu gọi phát động một kế hoạch cứu trợ đa phương dành cho đất nước Haiti bị tàn phá nặng nề sau trận động đất kinh hoàng 7,3 độ richter hôm 12/1, giống như "Kế hoạch Marshall" của Mỹ nhằm tái thiết Châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
![]() |
Ảnh minh họa |
Hạ viện Pháp ngày 20/1 đã thông qua dự luật buộc các công ty lớn ở nước này phải dành ít nhất 40% số ghế trong ban giám đốc cho nữ giới. Thời gian hoàn tất thủ tục này là 6 năm kể từ khi dự luật có hiệu lực.
Quyết định của Hạ viện Pháp là tin vui đối với phụ nữ nước này, vì đạo luật hiện hành đưa ra mốc thời gian thực hiện là 3 năm, nhưng ấn định tỷ lệ nữ trong ban giám đốc công ty chỉ là 20%.
Pháp đã có một số gương mặt nữ giữ các chức vụ cấp cao về kinh tế, nhưng tỷ lệ nữ giới trong các ban giám đốc công ty nhìn chung còn rất thấp, chỉ chiếm 8% trong số 500 công ty hàng đầu của Pháp. Nếu dự luật được Thượng viện Pháp thông qua, dự kiến trong vài tháng tới, Pháp sẽ nằm trong nhóm nước tích cực thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong công ty, cùng với Na Uy và Tây Ban Nha.
Theo các nhà quan sát, dự luật nhiều khả năng sẽ được thông qua dễ dàng tại Thượng viện Pháp do chính phủ cũng đã phát tín hiệu ủng hộ.
Trung Quốc: Giao thông tê liệt vì thời tiết lạnh bất thường
Tuyết rơi dày và thời tiết lạnh bất thường tại nhiều khu vực ở Trung Quốc trong tuần qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông đường bộ và đường thủy, trong khi Cơ quan khí tượng thủy văn thông báo tình hình thời tiết tồi tệ còn tiếp diễn.
Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết khoảng 40% diện tích mặt nước vùng biển Bột Hải (phía Đông Bắc Trung Quốc) đã bị đóng băng, gây khó khăn cho việc đi lại của tàu thuyền và đời sống của ngư dân.
Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã khuyến cáo tình trạng biển đóng băng, đồng thời triển khai công tác giám sát diễn biến thời tiết trên biển 24/24 giờ kể từ ngày 12/1.Trong khi đó, nhiệt độ tại Khu tự trị Nội Mông và Khu tự trị Tân Cương trong hai ngày 19 và 20/1 giảm xuống âm 40 độ C.
Nhiều khu vực tại Tân Cương tuyết rơi dày tới gần 1 mét, mức kỷ lục trong vòng 60 năm qua, làm chết 6 người và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nửa triệu người khác. Tại một số tỉnh phía Nam Trung Quốc xuất hiện thời tiết sương mù dày đặc. Thành phố Trùng Khánh đã phải đóng cửa 8 tuyến đường cao tốc do sương mù nhằm tránh tai nạn giao thông.
Nguyễn Chiến