BA.5, được biết đến là dòng phụ của biến thể Omicron, đang gây ra làn sóng dịch COVID-19 mới trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần cuối tháng 6, số ca nhiễm BA.5 chiếm 52% số ca mới, tăng so với mức 37% trong vòng 1 tuần. Tại Mỹ, số ca nhiễm BA.5 chiếm đến 65%.
BA.5 được xác định lần đầu tiên vào tháng 1 năm nay và được WHO theo dõi kể từ tháng 4.
Nhật Bản ngày 20/7 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt 150.000 ca, con số cao kỷ lục mới, trong bối cảnh đợt dịch thứ 7 đang hoành hành tại nước này do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan mạnh.
Theo NHK, tính tới 6 giờ tối 20/7, nước này ghi nhận 152.535 ca COVID-19. Con số này cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là hơn 110.000 ca, ghi nhận vào ngày 16/7. Trong số 47 tỉnh, 30 tỉnh có số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay.
Chính quyền Thủ đô Tokyo ghi nhận 20.401 ca mắc vào ngày 20/7. Như vậy, số ca mắc theo ngày ở Tokyo lần đầu vượt 20.000 ca kể từ ngày 5/2. Con số này tăng 3.523 ca so với thứ Tư tuần trước.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã duy trì ở mức tương đối thấp cho đến giữa tháng 6 vừa qua, trước khi bắt đầu tăng mạnh trong thời gian gần đây do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lan nhanh trên cả nước. Tuần trước, cố vấn hàng đầu về COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, ông Shigeru Omi xác nhận nước này đã bước vào làn sóng dịch thứ 7.
Tuy nhiên, phát biểu họp báo ngày 20/7, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno khẳng định lại chính phủ sẽ không áp đặt các hạn chế đi lại.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch bổ sung khi dịch COVID-19 tái bùng phát và số ca mắc mới đã vượt mốc 70.000 ca/ngày.
Theo đó, từ ngày 25/7, các bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão sẽ đình chỉ việc gặp mặt trực tiếp để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm. Toàn bộ nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR mỗi tuần một lần.
Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định tăng số phòng khám sàng lọc trên toàn quốc lên 70 cơ sở, mở thêm 55 trung tâm sàng lọc tạm thời trong khu vực đô thị và 15 phòng khám sàng lọc tạm thời ở các khu vực ngoài đô thị để bảo đảm mỗi quận ở thủ đô Seoul sẽ có một cơ sở khám sàng lọc.
Kể từ ngày 20/7, các phòng khám sàng lọc chính thức hoạt động trở lại vào các ngày cuối tuần và cả ban đêm để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ. Số lượng cơ sở y tế một cửa có thể điều trị và kê đơn tại cùng một điểm sẽ tăng từ 6.500 ở thời điểm hiện tại lên 10.000 vào cuối tháng 7.
Theo các quan chức y tế, việc áp dụng các biện pháp bổ sung chống dịch nhằm tổ chức được một hệ thống y tế có thể vận hành tốt với số lượng bệnh nhân dự kiến lên đến 300.000 người/ngày.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 20/7, nước này ghi nhận thêm 76.402 trường hợp mắc COVID-19 mới và đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 70.000 người/ngày. Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Lee Ki-il cho biết "tốc độ lây lan của biến thể BA.5 nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu và có thể đạt đỉnh 300.000 ca/ngày trong khoảng đầu tháng 8".
Để bảo đảm ổn định cho hệ thống y tế, Hàn Quốc đang tập trung vào việc tăng cường tiêm chủng cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao và phương án điều trị tại chỗ khi số bệnh nhân tăng mạnh.
Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc bác bỏ khả năng áp đặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới chuyên môn thì cho rằng cần có phương án chủ động đối phó với dịch COVID-19.
Giới chức y tế Australia ngày 19/7 mạnh mẽ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà để phòng chống làn sóng dịch bệnh mới đang bùng phát trên khắp đất nước.
Theo TTXVN, Giám đốc y tế liên bang Paul Kelly cho biết, biến thể phụ BA.5 của Omicron có khả năng lây nhiễm và kháng vaccine cao hơn đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng và gây ra một mối đe dọa mới nghiêm trọng về dịch bệnh.
Trong khi tiếp tục hối thúc người dân đi tiêm mũi vaccine thứ ba hoặc thứ tư nếu đủ điều kiện, ông Kelly kêu gọi mọi người đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà, đặc biệt là các nơi đông người khó giữ được giãn cách, mặc dù điều này không phải là bắt buộc.
Giới chức y tế Australia nhận định làn sóng dịch bệnh thứ 3 hiện nay tại nước này mới chỉ bắt đầu và sẽ kéo dài khoảng 5 tuần nữa ở tất cả các địa phương trên cả nước, tiếp tục gây ra sức ép rất lớn lên các bệnh viện do phải tiếp nhận số bệnh nhân ngày càng tăng trong khi nhiều nhân viên y tế mắc bệnh phải nghỉ ốm.
Ngày 20/7, Australia thông báo ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới và 80 ca tử vong vì COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Australia cho biết số ca bệnh mới nói trên là mức cao nhất ghi nhận tại đây trong 2 tháng qua. Chỉ trong 7 ngày gần đây, nước này đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature cho biết, BA.5 - biến thể phụ của Omicron - có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 gấp 4 lần so với các biến thể phụ khác của Omicron là BA.1, BA.2, BA.3 và BA.4.
Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu. Nghiên cứu khẳng định biến thể này có khả năng kháng lại các loại vaccine RNA bao gồm cả vaccine của Pfizer và Moderna.
Theo Trung tâm y tế Mayo Clinic của Mỹ, BA.5 là biến thể siêu lây nhiễm, đang làm gia tăng số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị và cần chăm sóc đặc biệt. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cung cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 9/7, BA.5 chiếm 65% số ca mắc mới tại nước này.
Theo Tiến sĩ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine của Mayo Clinic, những người không tiêm vaccine có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường. Nguy cơ cần nhập viện điều trị và tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn lần lượt là 7,5 lần và 15 lần so với người đã tiêm chủng.