Ngày 25/2, Đại học Y Hà Nội tổ chức lễ khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa cấp I, lớp 2 với 40 học viên, do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ.
Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ chính quy hoặc liên thông, tốt nghiệp loại khá, giỏi, đã được tuyển dụng tại huyện nghèo sẽ được tham gia dự án. Các bác sĩ sẽ được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, 1 thầy kèm 1 trò theo hướng "cầm tay chỉ việc" trong 24 tháng liên tục.
40 bác sĩ trẻ lần này sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội, ngoại, nhi, xét nghiệm, sản, truyền nhiễm và y học cổ truyền tại Đại học Y Hà Nội.
Trước khi trúng tuyển chuyên khoa cấp I, các bác sĩ đã được tuyển dụng là viên chức các bệnh viện, trung tâm y tế huyện khó khăn thuộc các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An và Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
Chia sẻ tại lễ khai giảng, GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng nhà trường Đại học Y Hà Nội cho biết, dự án này đã được triển khai rất hiệu quả. Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2014 đến nay đã đào tạo 15 khoá bác sĩ chuyên khoa I về công tác tại các vùng khó khăn trên cả nước. Từ chủ trương ban đầu sử dụng ngân sách Nhà nước, đến nay, bước sang giai đoạn 2, dự án đã chuyển sang hình thức xã hội hoá. Đây là bước chuyển biến rất quan trọng. Đặc biệt, những thay đổi như đối tượng tham gia, độ tuổi… đã bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của dự án.
"Các em đã nhận sự ưu đãi rất lớn từ dự án, nên các em cần phải có trách nhiệm vượt lên tất cả khó khăn, để trang bị kiến thức tốt nhất nhằm phục vụ người dân tại địa phương mình", GS.TS. Tạ Thành Văn nhắn nhủ.
Ông Phạm Văn Tác, Giám đốc dự án cho biết, dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
Trong năm nay, dự án sẽ cập nhật và ban hành mới 11 chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới, trong đó chú trọng chuyên môn về hồi sức cấp cứu sau đại dịch COVID-19 và xây dựng mới 5 chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II.
Hiền Minh