Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý EPA của Việt Nam khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác |
Chương trình tuyển chọn khóa 8 sẽ chọn các ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản vừa học vừa làm; thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần); tối đa bốn năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần).
Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.
Các ứng viên sẽ có cơ hội sang làm việc tại Nhật Bản với mức lương từ 130.000-140.000 yen/tháng (khoảng 27-30 triệu đồng/tháng) với điều dưỡng và 140.000-150.000 yen/tháng (khoảng 30-32 triệu đồng) với hộ lý. Ngoài lương, các ứng viên còn được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Cá nhân muốn tham gia chương trình cần tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng. Ứng viên điều dưỡng cần có thêm chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; ít nhất hai năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng.
Các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nếu được chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng, sau đó tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3 để được sang Nhật Bản làm việc.
Trong 7 năm triển khai chương trình, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản tuyển chọn gần 1500 ứng viên đưa vào đào tạo tiếng Nhật, Trong số đó, có gần 1.200 ứng viên đã xuất cảnh sang học tập và làm việc tại Nhật bản.
Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý EPA của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác với tỷ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hàng năm luôn rất cao: Hộ lý là gần 70% và điều dưỡng là gần 94% trong khi ứng viên của các nước khác chỉ đạt tỉ lệ đỗ khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý. Vì vậy, nhu cầu tiếp nhận của phía Nhật đối với ứng viên Việt nam luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa.
Thu Cúc