Khoản tài trợ này bao gồm 30 triệu USD vốn vay từ nguồn vốn thông thường của ADB và các khoản vay song song hợp vốn với tổng giá trị 50 triệu USD, gồm 30 triệu USD từ Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc và 20 triệu USD từ Quỹ ILX I (đây là quỹ quản lý tài sản có trụ sở tại Amsterdam, tập trung hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững tại các thị trường mới nổi). ADB giữ vai trò bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức cho toàn bộ khoản tài trợ.
Tổng Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB, bà Suzanne Gaboury, chia sẻ: Bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận tài chính và các dịch vụ tư vấn cụ thể đáp ứng nhu cầu, quan hệ đối tác với LPBank sẽ giúp các nữ doanh nhân tại Việt Nam phát huy sức mạnh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
"Hợp tác với các đối tác phát triển như Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc, Quỹ ILX và We-Fi, mục tiêu của chúng tôi là huy động nguồn vốn cho phát triển khu vực tư nhân, giúp mang lại thay đổi có ý nghĩa cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam", đại diện ADB nói.
Gói tài chính này sẽ giúp LPBank thiết kế các sản phẩm và quy trình mới để tăng cường hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ. Một khoản viện trợ không hoàn lại dựa trên kết quả thực hiện trị giá 750.000 USD do We-Fi tài trợ sẽ khuyến khích LPBank mở rộng dịch vụ của mình cho những khách hàng nữ và triển khai các dịch vụ hỗ trợ tư vấn cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ.
"Với khoản vay này, LPBank không chỉ có thêm tiềm năng trong việc cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả cho khách hàng mà còn thể hiện sự nỗ lực trong việc hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang rất cần vốn để phục hồi sau đại dịch và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh", Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của LPBank Lê Minh Tâm nói.
Các DNNVV đóng góp 40% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và một nửa tổng số việc làm. Tiếp cận nguồn tài chính thương mại ở Việt Nam là một thách thức, đặc biệt đối với người vay là phụ nữ. Các DN này thường phải đối mặt với các hạn chế như thiếu tài sản thế chấp, hiểu biết về tài chính chưa đầy đủ, bị ngân hàng coi là khách hàng có rủi ro cao hơn, cũng như nhận thức còn hạn chế của ngân hàng về tiềm năng của thị trường dành cho phụ nữ.
ADB là đối tác quốc tế khá quan tâm việc hỗ trợ các DNNVV, do đó, ADB chú trọng việc phối hợp với các ngân hàng TMCP tư nhân của Việt Nam để triển khai các khoản tín dụng ưu đãi.
Trước đây, ADB và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết một gói vay trị giá lên tới 500 triệu USD để mở rộng tiếp cận tài chính cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ và các dự án vốn vay xã hội ở Việt Nam.
ADB cũng đã công bố nâng hạn mức tài trợ thương mại cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) lên 60 triệu USD, trong đó tăng hạn mức vay tuần hoàn từ 5 triệu USD lên 10 triệu USD nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng của ngân hàng của Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, để hỗ trợ các DNNVV và chuỗi cung ứng của họ, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo việc làm cho người lao động...
Anh Minh