Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Công trình Xanh Thế giới từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2020.
Sự kiện được hỗ trợ bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và các cơ quan, đơn vị liên quan. Dự kiến sự kiện sẽ thu hút sự tham gia của khoảng gần 1.000 đại biểu đến từ các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chủ dự án đầu tư xây dựng, đơn vị quản lý vận hành công trình, các đơn vị tư vấn về xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, vật liệu, thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường...
Theo Bộ Xây dựng, mục đích của Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020 nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách; các công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.
Sự kiện thể hiện nỗ lực và hành động cụ thể của Việt Nam trong việc góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biển đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây là bước khởi đầu đặt nền móng để Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam trở thành sự kiện thường niên của ngành xây dựng.
Phát triển công trình xanh, hiệu quả năng lượng là xu hướng tất yếu
Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế đến năm 2030 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật.
Theo đó, ngành xây dựng đã và đang thực hiện cam kết này thông qua một loạt các chính sách cụ thể như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành xây dựng, Luật Xây dựng sửa đổi (2020); Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Xu hướng xây dựng các công trình xanh thân thiện với môi trường đang là lựa chọn của nhiều chủ đầu tư. Ảnh minh họa |
Bộ Xây dựng khẳng định, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu trong những năm tới
Thực tế những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp xây dựng có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng.
Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% đến 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0-3% tổng mức đầu tư/ công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.
Tuy nhiên, theo thống kê của IFC, đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Việc hướng tới tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam hàng năm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Đề ra định hướng chính sách để phát triển công trình xanh
Theo Bộ Xây dựng, trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020 sẽ có 4 Hội thảo chuyên đề về: “Đô thị xanh và công trình xanh”; “Thiết bị và công nghệ hiệu quả năng lượng”; “Cơ chế tài chính xanh”và “Vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng” .
Cùng với đó là các phiên tham quan thực tế công trình xanh, phiên tọa đàm chính sách, phiên toàn thể và triển lãm các dự án, công trình, vật liệu, thiết bị, công nghệ mới phục vụ việc chuyển đổi thị trường xây dựng Việt Nam theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Nội dung sự kiện tập trung vào các lĩnh vực then chốt từ tổng quan thị trường, xây dựng chính sách, quy hoạch, đến quá trình thiết kế, thi công, vận hành đô thị xanh, công trình xanh và công trình sử dụng năng lượng hiệu quả với các diễn giả đến từ các Ban, Bộ ngành trung ương, các chuyên gia quốc tế và trong nước trong lĩnh vực xây dựng, thực thi chính sách, tư vấn thiết kế, đầu tư – xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, các nhà cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết bị, vật liệu hướng tới yếu tố xanh và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ sự kiện này còn diễn ra Tọa đàm “Chính sách phát triển đô thị xanh, công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng”. Đây là một đối thoại chính sách giữa Bộ Xây dựng, các Bộ ngành cùng các bên liên quan trong thị trường xây dựng như các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, các hội chuyên môn, các tổ chức tài chính, các tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh…
Đối thoại chính sách này là dịp chia sẻ các cơ hội, chỉ ra rào cản và những định hướng chính sách cụ thể, hiệu quả nhằm tạo đà cho sự cất cánh của thị trường xây dựng xanh của Việt Nam trong những năm tiếp theo
Phiên toàn thể dự kiến diễn ra chiều ngày 11/12/2020 sẽ tổng kết những hoạt động và kết quả đạt được của các sự kiện diễn ra trong tuần lễ, từ đó đưa ra định hướng các hoạt động tiếp theo để thúc đẩy việc phát triển đô thị xanh, công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng.
Phiên toàn thể cũng sẽ ghi nhận nỗ lực, chứng nhận sự tham gia các công trình trình diễn hiệu quả năng lượng của Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) – Bộ Xây dựng, trao chứng nhận công trình xanh của các công trình đạt chứng nhận LOTUS, EDGE và trao giải cho các sinh viên đạt giải thưởng “Kiến trúc Xanh sinh viên Việt Nam”.
Toàn Thắng