Theo phản ánh của Công ty HHCN Kai Fa Việt Nam, thủ tục nhập khẩu quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu hiện có đến 10 khâu: Nộp hồ sơ đăng ký tại Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Nộp hồ sơ đăng ký phân tích hợp chuẩn hàng hóa tại đơn vị phân tích; có số tiếp nhận của đơn vị phân tích doanh nghiệp được phép khai báo hải quan; nộp thuế; lấy hàng; Hải quan kiểm tra hàng; đơn vị phân tích hợp chuẩn lấy mẫu phân tích; nộp kết quả phân tích; Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy đủ tiêu chuẩn nhập khẩu; nộp kết quả đủ tiêu chuẩn nhập khẩu cho Hải quan kiểm tra để thông quan.
Để hoàn tất các thủ tục này, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Do vậy, để giảm thiểu các chi phí phát sinh và đặc biệt là giảm thời gian đi lại, Công ty đề nghị cơ quan chức năng xem xét, ưu tiên về thủ tục cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nhập khẩu sắt thép về để sản xuất hàng hóa tiêu thụ và được đăng ký hợp chuẩn hàng hóa 1 lần để sử dụng trong 2 năm như trước đây.
Về vấn đề này, Cục Hải quan Đồng Nai có ý kiến như sau:
Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy đinh phạm vi điều chỉnh của Thông tư là sản phẩm thép nhập khẩu (phân loại theo mã HS) quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III thuộc diện phải quản lý chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có loại trừ sản phẩm thép sản xuất để xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng gia công hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, theo Hợp đồng sản xuất hàng để xuất khẩu; sản phẩm thép do các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất nhập khẩu làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Như vậy, đối với sản phẩm thép nhập khẩu thuộc diện phải quản lý chất lượng. Thông tư không phân biệt nhập khẩu để kinh doanh thuần tuý hay nhập khẩu để sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, Điều 11 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN có quy định về áp dụng các hình thức kiểm tra giảm đối với thép nhập khẩu.
Theo đó, có 2 hình thức kiểm tra giảm như sau:
Hình thức 1: Lấy mẫu giảm (giảm số lượng mẫu lấy/lô hàng nhập khẩu) để thực hiện thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp theo tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Loại hình kiểm tra giảm này được áp dụng đối với sản phẩm thép có cùng tiêu chuẩn công bố, cùng mác thép, do cùng một nhà sản xuất, nhập khẩu 3 lần liên tiếp, được đánh giá sự phù hợp tại cùng một tổ chức đánh giá sự phù hợp, đạt yêu cầu về chất lượng. Thời hạn kiểm tra giảm là 1 năm kể từ lần nhập khẩu lần thứ 4.
Hình thức 2: Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu so với thực tế lô hàng nhập khẩu, thực hiện giám sát thông qua thử nghiệm mẫu (mẫu được lấy tại cửa khẩu nhập khẩu), đánh giá sự phù hợp của mẫu thử nghiệm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Loại hình kiểm tra giảm này được áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Đối với sản phẩm thép có cùng tiêu chuẩn công bố, cùng mác thép, do cùng một nhà sản xuất, nhập khẩu 10 lần liên tiếp, được đánh giá sự phù hợp tại cùng một tổ chức chứng nhận được chỉ định đạt yêu cầu về chất lượng. Thời hạn kiểm tra giảm là 2 năm kể từ lần nhập khẩu lần thứ 11.
- Lô sản phẩm thép nhập khẩu đã có kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài (không hoạt động tại Việt Nam) được thừa nhận hoặc được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định hiện hành và có kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
Về trình tự, thủ tục kiểm tra giảm đối với thép nhập khẩu và quy định về kiểm tra giảm được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 11 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN. Doanh nghiệp nộp hồ sơ gửi Bộ Công Thương để được xem xét.
Công ty có thể tham khảo các quy định trên để được áp dụng hình thức kiểm tra giảm đối với thép nhập khẩu.